Thời điểm 8 giờ 38 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,1 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cũng không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng SJC niêm yết ở thị trường Hà Nội là 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào, nhưng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Trên thế giới, giá vàng đi xuống trong phiên 18/10, khi đồng USD mạnh lên và nỗi lo về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tiếp tục tạo sức ép lên kim loại quý này.
Phiên này, giá vàng giao tháng 12/2022 trên thị trường Mỹ giảm 0,49% xuống mức 1.655,8 USD/ounce.
Một yếu tố quan trọng tạo áp lực lên giá vàng phiên này là việc Chỉ số đồng USD, “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,09% lên 112,1310 sau khi giảm 1,13% trong phiên trước.
Bên cạnh đó, việc kinh tế Mỹ đón nhận các số liệu tích cực như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,4% trong tháng Chín và 2,9% trong quý III/2022 cũng góp phần đẩy giá vàng đi xuống.
Tuy nhiên theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA, chất xúc tác chính đối với vàng vẫn sẽ là chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất lớn của Fed đã được củng cố sau báo cáo lạm phát tiêu dùng tiếp tục “nóng” của Mỹ vào tuần trước. Các số liệu kinh tế tích cực có thể thúc đẩy Fed tiếp tục kế hoạch nâng lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát phi mã. Hiện các thị trường đặt cược Fed sẽ có một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 11.
Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng, khi chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ những tài sản không sinh lợi.