Cụ thể, cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên mức 2.012,34 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/5. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,49%, lên mức 2.012,4 USD/ounce.
Đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong ba tháng, khiến vàng- vốn được định giá bằng “đồng bạc xanh”- trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty kinh doanh kim loại quý RJO Futures, cho biết vàng có thể giao dịch quanh mức 2.000 USD/ounce hoặc nhỉnh hơn một chút cho đến khi thị trường nhận được thêm thông tin về kế hoạch lãi suất từ Fed.
Các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp tháng 12 tới, đồng thời đánh giá khả năng 50-50 ngân hàng này sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 5/2024.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản không sinh lãi, do vậy thường thúc đẩy giá vàng đi lên.
Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào số liệu GDP quý III của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 29/11 và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE)- thước đo lạm phát ưa thích của Fed- dự kiến công bố ngày 30/11.
Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính tại chuyên trang về thị trường vàng Capital.com, cho biết: “Các số liệu kinh tế được công bố trong tuần này của Mỹ, cả về tốc độ tăng trưởng và lạm phát, sẽ quyết định liệu vàng có duy trì trên mức 2.000 USD/ounce hay không”.
Dữ liệu cho thấy nhập khẩu vàng ròng của Trung Quốc- nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới- đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10/2023 do sự phục hồi kinh tế không đồng đều đè nặng lên nhu cầu vàng.
Cùng ngày, giá bạc tăng 1,3%, lên mức cao nhất gần ba tháng là 24,62 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 1,3% xuống 918,51 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,2%, xuống 1.071,32 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 28/11, tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 71,70-72,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).