Hợp đồng vàng giao tháng 4 được giao dịch nhiều nhất tăng 7,2 USD, hay 0,46%, lên 1.570 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng phần nào bị hạn chế do đồng USD mạnh lên. Chỉ số đồng USD, đo giá trị của đồng tiền này so với 6 đồng tiền mạnh khác, tăng 0,19%, lên 98,49.
Với các kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 3 tăng 21,6 xu, hay 1,23%, lên 17,818 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 4 giảm 19,7 USD, hay 2%, xuống 967,4 USD/ounce.
Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
Trong phiên giao dịch 6/2, giá dầu thế giới biến động trái chiều giữa lúc các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt của thế giới về việc có cắt giảm sản lượng mạnh hơn hay không.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate giao tháng 3 tăng 20 xu Mỹ, lên 50,95 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 35 xu, xuống 54,93 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.
Nhà phân tích năng lượng tại Commerzbank Research, Carsten Fritsch, cho rằng sau khi giảm 20% trong 2 tuần qua, giá dầu có thể đã đảo chiều.
Các nhà giao dịch đang hướng sự chú đến khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa.
Phái đoàn của OPEC và các đồng minh đã đánh giá tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đến nhu cầu dầu mỏ. Trong khi Saudi Arabia hối thúc cắt giảm sản lượng sâu hơn, Nga ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang thực thi hiện nay.
Tháng 12/2019, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm lên 1,7 triệu thùng/ngày.
OPEC, Nga và các nước sản xuất khác đang hạn chế sản lượng dầu trong những năm gần đây nhằm đẩy giá dầu đi lên.