Trước đó vào hồi 14 giờ cùng ngày, tại thị trường Hà Nội, giá vàng có lúc leo đến hơn 62 triệu đồng/lượng.
Cụ thể: 18 giờ 10 phút ngày 6/8, tại hệ thống SJC Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch 59,60 – 61,42 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), riêng tại TP Hồ Chí Minh, giá bán giảm hơn 20.000 đồng/lượng so với 2 địa điểm trên. Mức giá này nếu so với phiên trước, giá vàng tại hệ thống SJC mua vào tăng tới 1,7 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 2,3 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống Doji Hà Nội và Sài Gòn, giá vàng SJC giao dịch là 59,50 – 60,95 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng mua vào và tăng 2 triệu đồng bán ra so với phiên ngày 5/8.
Trước đó, lúc 16 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội 59,6 - 61,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 1 triệu đồng/lượng mua vào và 1,42 triệu đồng/lượng bán ra so với thời điểm mở cửa giao dịch sáng 6/8.
Thời điểm này, Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý cũng niêm yết giá vàng SJC 59,6 - 60,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,2 triệu đồng/lượng mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng bán ra so với thời điểm mở cửa giao dịch sáng 5/8.
Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank chiều 6/8, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới 4 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí). Trong phiên giao dịch lúc 13 giờ 45 phút chiều 6/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) tăng 0,6% lên 2.051,44 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,8% lên 2.064,60 USD/ounce.
Đại diện Doji cho biết: Trong 2 ngày nay, trên toàn hệ thống của công ty, khách hàng vẫn liên tục mua vào bất chấp giá vàng đang neo ở mức cao. Lý giải về hiện tượng này, đại diện công ty cho rằng: Có khả năng người mua vàng trong nước vẫn kỳ vọng vào giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa do những bất ổn của việc kiểm soát dịch bệnh trên thế giới cũng như những yếu tố về mặt kinh tế, tài chính tác động lên xu hướng tăng của giá vàng.
Hiện tại, phần lớn các quỹ đầu tư nắm giữ vàng lớn trên thế giới cũng đang kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng cao, trên 2.200 USD/ounce. Thậm chí, một số định chế tài chính, quỹ đầu tư còn dự đoán giá vàng có thể sẽ lên tới 3.000 USD/ounce.
Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Dũng Khánh (Công ty Chứng khoán Maybe), giá vàng thế giới đã liên tục tăng và tăng nhanh trong thời gian qua, tiến đến tuần thứ 9 liên tiếp tăng. Đây là một trong những chuỗi tăng dài nhất trong lịch sử của giá vàng. Vì vậy, có thể trong vòng 1 - 2 tuần tới, giá kim loại quý này sẽ có sự điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, chuyên gia này dự báo với các yếu tố địa chính trị và tình hình dịch bệnh trên thế giới, giá vàng có thể đạt mốc 2.100 - 2.200 USD/ounce trong năm nay.
Với nhà đầu tư trong nước, hầu hết lời khuyên được đưa ra vào thời điểm này là nên thận trọng, chưa nên tham gia mua vào bởi giá vàng đã lên nhanh và mạnh trong những ngày qua. “Nếu muốn đầu tư, người dân cần chờ đợi giá vàng thế giới bước vào nhịp điều chỉnh rồi tham gia, lúc đó, mức độ rủi ro sẽ thấp hơn”, ông Nguyễn Dũng Khánh đưa ra lời khuyên.
Tại thị trường trong nước thời gian gần đây, giá vàng luôn tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 18 triệu đồng, tương đương 41%. Tuy nhiên nhu cầu giao dịch vàng trên thị trường những ngày qua không tăng đột biến. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới những ngày gần đây luôn ở mức cao, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra cũng được nới rộng. Những chỉ số đó cho thấy độ rủi ro đối với những người đầu cơ, "lướt sóng". Đó cũng là những yếu tố khiến người dân không dám mạnh tay đầu cơ vàng.
Kinh nghiệm của một số nhà đầu tư vàng chia sẻ: Trước khi tham gia thị trường, người mua vàng cần chú ý đến chênh lệch giữa giá mua và bán vàng. Thông thường, mức chênh lệch dưới 300.000 đồng/lượng là bình thường, nhưng nếu mức chênh lệch từ 1 triệu đồng/lượng, thậm chí đến gần 2 triệu đồng/lượng thì cho thấy đây là thời điểm rất rủi ro. Khách hàng không nên "lướt sóng" mua đi bán lại ngay trong lúc này, bởi giá biến động nhanh và mạnh mà cần đầu tư trong ít nhất 6 tháng
Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chủ trương chống vàng hóa trong nhiều năm nay và cụ thể là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, kim loại quý này đã không còn vị thế như trước đây. Vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhu cầu về vàng hiện nay cũng không đến từ việc đầu cơ mà đã trở về nhu cầu thực của người dân như: Đồ trang sức, làm quà tặng hoặc tìm kiếm sự may mắn mỗi dịp đầu năm.
Thực tế trong những năm gần đây, dù có thời điểm giá vàng tăng mạnh thì người bán và người mua không còn tấp nập. Đặc biệt, trong đợt biến động lần này, mặc dù thị trường sôi động hơn nhưng không có hiện tượng đầu cơ, lướt sóng. Đây là điều tích cực cho thấy thành công của chính sách chống vàng hóa nền kinh tế.
Trước đó thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay: Thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như tình hình địa - chính trị trên thế giới. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.