Giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.749,53 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn “kẹt” ở mức khoảng 1.751,90 USD/ounce. Giá kim loại quý này giảm 1,2% trong tuần kết thúc ngày 18/11, ghi dấu tuần có diễn biến xấu nhất kể từ tuần kết thúc ngày 14/10/2022.
Các nhà phân tích cho biết, giới đầu tư đang cảnh giác và vàng khó có thể đi lên trong ngắn hạn. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu châu Á vẫn đang “do dự” tìm hướng đi khi các nhà đầu tư lo ngại về sự sụp đổ kinh tế do các hạn chế COVID-19 mới ở Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, trong khi thị trường trái phiếu và đồng USD đang chuẩn bị cho các đợt cập nhật về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, hồi cuối tuần trước cho biết ông sẵn sàng “bỏ qua” việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 12 tới của Fed và cảm thấy Fed không cần tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Mặc dù vàng vốn được coi là “hàng rào” chống lạm phát, song lãi suất cao không khuyến khích đầu tư vào vàng, vốn không sinh lời.
Các đại lý vàng vật chất ở Ấn Độ đã buộc phải đưa ra mức chiết khấu lớn nhất trong 4 tháng vào tuần trước do giá vàng trong nước tăng vọt ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, trong khi phí bảo hiểm của Trung Quốc giảm mạnh do sức mua chậm lại.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 20,88 USD/ounce, giá bạch kim cũng giảm 0,2% xuống 975,21 USD/ounce, trong khi palladium ổn định quanh mức 1.938,37 USD/ounce.
Mở cửa giao dịch ngày 21/11, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên cuối tuần qua.