Giá vàng ở mức cao nhất trong 10 tháng qua

Mặc dù giá vàng thế giới tăng nhưng sáng 19/5, giá vàng SJC trong nước không biến động nhiều. Tuy nhiên, giá vàng giao dịch vẫn ở mức cao nhất trong 10 tháng qua, tiến dần tới mốc 57 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Chú thích ảnh
Giá vàng vẫn trụ vững ở mức cao.

Cụ thể vào lúc 10 giờ 40 phút sáng 19/5, tại Doji Hà Nội, giá vàng SJC giao dịch 56 – 56,35 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán so với phiên trước; tại Doji Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, SJC giao dịch 56,05 – 56,35 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán so với phiên trước.

Tại hệ thống SJC, giá vàng Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch 56,08 – 56,45 triệu đồng/lượng, giá không biến động so với phiên trước. Còn ở TP.Hồ Chí Minh, giá vàng SJC mua vào và bán ra ở mức 56,08 – 56,43 triệu đồng/lượng, giá không đổi; tại Phú Quý, vàng SJC giao dịch 56,08 – 56,38 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng ở 2 chiều so với phiên trước. 

Sáng 19/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.868,02 USD/ounce. Mức giá này tăng 2 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch trước. Tình trạng giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không liên thông vẫn kéo dài thời gian qua. Có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 7 - 9 triệu đồng/lượng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giá vàng hiện khó lấy lại ở mốc lịch sử (2.087 USD/ounce như vào tháng 8/2020, nhưng cơ hội tăng giá của vàng vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, người mua vàng trong nước khó tránh thua thiệt vì thị trường vàng trong nước vẫn không liên thông với quốc tế.

Trước tình trạng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 7 - 9 triệu đồng/lượng, VGTA kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo đó, xuất phát từ những điều kiện thuận lợi về chính trị, về môi trường kinh tế, VGTA Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục IV - ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020. 

Để phát triển sản xuất vàng trang sức, VGTA đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, cũng như đóng góp tích cực trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHNN; đề nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Năm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng sốt vàng thường xuyên xảy ra, nên Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. 

Tuy nhiên theo VGTA, đến nay, trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được thay đổi cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.

Sáng 19/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.151 VND/USD, giảm 19 đồng so với phiên trước. Sau khi tăng trở lại ở phiên trước, tỷ giá trung tâm lại quay đầu giảm. Sáng 19/5, giá mua ngoại tệ thấp nhất ở mức 22.920 VND/USD, giá mua cao nhất là 22.970 VND/USD. Còn chiều bán ra, giá bán thấp nhất 23.120 VND/USD, giá bán cao nhất là 23.158 VND/USD.
Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Phiên 18/5, giá vàng thế giới lên mức cao nhất gần bốn tháng
Phiên 18/5, giá vàng thế giới lên mức cao nhất gần bốn tháng

Trong phiên giao dịch 18/5, giá vàng thế giới lên mức cao nhất gần bốn tháng trước sự yếu đi của đồng USD và mối lo ngại về lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN