Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Trái chiều với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn lại quay đầu giảm.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng nhẫn ở mức 81,4 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 450.000 đồng ở chiều bán ra so chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng giảm trong phiên giao dịch 30/9 sau đợt tăng cao kỷ lục do chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông khiến vàng có quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2020.
Giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 2.634,75 USD/ounce vào lúc 1 giờ 08 phút sáng (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,3% xuống 2.659,40 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 13% trong quý III và được coi là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.685,42 USD/ounce vào thứ Năm (26/9) do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm mạnh lãi suất (0,5 điểm phần trăm) và căng thẳng bùng phát ở Trung Đông.
Chuyên gia chiến lược kim loại Peter A. Grant tại Zaner Metals cho biết: "Có thể sẽ có một số sự luân chuyển từ các kim loại quý sang cổ phiếu, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ kéo dài... chắc chắn xu hướng của vàng đang tăng".
Các nhà phân tích cho biết đà tăng của giá vàng đã bị kiềm chế bởi hoạt động chốt lời và cổ phiếu Trung Quốc tăng vọt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự đoán lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục chậm lại, điều có thể dẫn đến việc Fed cắt giảm lãi suất.