Sáng phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên mức 2.662,3 USD/ounce. Trước đó, vào phiên cuối tuần ngày 27/9, giá vàng đã giảm 0,5%, chấm dứt chuỗi tăng sáu phiên liên tiếp.
Như vậy, khép lại quý III/2024, giá vàng đã tăng gần 15%, đánh dấu mức tăng liên tiếp trong bốn quý.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải trong tháng 8/2024, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được đà tăng trưởng vững chắc trong quý III, trong khi áp lực lạm phát tiếp tục giảm. Những dữ liệu này đã làm tăng kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ nữa tại cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 11 tới.
Hiện tại, theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch dự đoán có 53% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng, một tài sản được coi là an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị.
Tuần trước, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận thủ lĩnh phong trào Hezbollah - Sayyed Hassan Nasrallah - đã thiệt mạng trong cuộc không kích vào vùng ngoại ô của thủ đô Beirut (Liban). Tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông cũng tạo động lực đẩy giá vàng đi lên.
Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng về các bài phát biểu từ Chủ tịch Powell và Thống đốc Fed Michelle Bowman, dự kiến trong ngày 30/9.
Nhu cầu vàng vật chất tại các trung tâm lớn ở châu Á đã giảm trong tuần trước, khi giá đạt mức cao kỷ lục khiến người mua thận trọng và khuyến khích một số người bán ra để chốt lời.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 31,68 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,4% lên 1.004,10 USD/ounce và giá palladium tăng 0,2% lên 1.013,5 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào 11 giờ 30 phút sáng ngày 30/9, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 81,50 - 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên thứ bảy ngày 28/9.