Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 50 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,75 - 83,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên thứ bảy ngày 28/9.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng nhẫn ở mức 81,5 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên thứ bảy ngày 28/9.
Hôm nay, giá vàng miếng SJC vẫn giữ ổn định. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên thứ bảy ngày 28/9.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên thứ bảy ngày 28/9.
Theo các chuyên gia, giá vàng miếng trong nước đang duy trì mức chênh lệch rất thấp so với giá vàng thế giới, nguyên nhân chính là do các đơn vị kinh doanh vàng có quy định giới hạn số lượng vàng bán ra, khiến người mua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy, dù vàng miếng có lợi thế về giá và thường ít bị biến động theo xu hướng ngắn hạn, nhưng việc mua vào với số lượng lớn hiện nay là điều gần như không thể.
Trong vòng hơn 10 ngày qua, thị trường vàng nhẫn đã ghi nhận đột biến khi giá bán tăng cao mỗi ngày và đạt đỉnh giá chưa từng thấy trong lịch sử. Từ chỗ từng thấp hơn giá vàng miếng đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, nay vàng nhẫn đã vươn sát với giá vàng miếng, thậm chí, có nơi giá mua vào của vàng nhẫn còn cao hơn cả giá mua vàng miếng.
Trong tuần, giá vàng thế giới có những phiên leo cao kỷ lục lên tới 2.685 USD/ounce. Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã đảo chiều hạ nhiệt trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 27/9) do xu hướng bán tháo chốt lời.