Giá vàng giao ngay đi lên tại thị trường châu Á phiên 13/4

Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/4, do lo ngại về sự leo thang trong xung đột Nga-Ukraine làm tăng giá các mặt hàng “trú ẩn an toàn” như vàng, mặc dù đồng USD mạnh lên đã phần nào kìm hãm đà tăng này.

Chú thích ảnh
Vàng miếng 50gr tại Cục tinh chế vàng quốc gia ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.969,61 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất 1 tháng là 1.978,21 USD/ounce vào phiên trước đó. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn lại hạ nhẹ 0,1%, xuống 1.973,70 USD/ounce.

Nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn OANDA, Jeffrey Halley, cho biết: “Vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn trong tuần này, khi lo ngại về lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn và cuộc khủng hoảng Ukraine bước sang giai đoạn mới”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả các cuộc đàm phán hòa bình đã và đang diễn ra giữa Nga và Ukraine là "một tình huống bế tắc". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Chỉ số đồng USD trong phiên này vẫn ổn định gần mức cao nhất ghi nhận vào tháng 5/2020, khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Xu hướng đi lên của đồng bạc xanh được củng cố bởi phát biểu mới đây của Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và rủi ro địa chính trị, nhưng việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Ngày 12/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát ở nước này tiếp tục tăng trong tháng 3/2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.

Theo báo Washington Post, Nhà Trắng và Cục Dự trữ liên bang đã đưa ra một số sáng kiến để cố gắng ngăn chặn giá cả tăng cao. Dù vậy, giá vẫn cao ở hầu hết các mặt hàng, nhất là ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Xăng dầu, thực phẩm và một loạt sản phẩm khác trở nên đắt hơn rõ rệt, gây căng thẳng kinh tế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn AirGuide, lưu ý: “Trong môi trường lãi suất cao, vàng sẽ ít được ưu ái hơn so với các loại tài sản khác. Tôi thấy vàng có thể tăng giá trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn có nhiều khả năng vàng sẽ đi xuống”.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng giao ngay đang đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh ở mức 1.975 USD / ounce.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,5%, lên 25,48 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,7%, lên 971,96 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tiến 2,7%, lên 2.387,77 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, lúc 16 giờ 00 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 69,2 - 69,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Minh Trang (TTXVN)
Giá vàng sáng 13/4 tăng 150.000 đồng/lượng
Giá vàng sáng 13/4 tăng 150.000 đồng/lượng

Sáng 13/4, giá vàng trong nước tăng 150.000 đồng/lượng. Thời điểm 8 giờ 34 phút, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 68,95 – 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN