Đáng chú ý, giá bạc mất hơn 8% khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ rút lui khỏi thị trường và bán tháo chốt lời sau khi giá bạc tăng lên mức đỉnh gần 8 năm trong phiên trước đó, nhờ hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội đã thúc đẩy xu hướng mua vào.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,4%, xuống 1.835,11 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng lùi 1,6%, xuống 1.833,40 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc giao ngay giảm 8,2% xuống 26,59 USD/ounce vào lúc 18 giờ 54 phút giờ GMT (1 giờ 54 phút sáng giờ Việt Nam). Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 1/2, giá bạc đã tăng 7,3% lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2013.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết, dường như nỗ lực của các nhà giao dịch nhỏ lẻ nhằm tạo sức ép đẩy giá bạc đi lên trong ngắn hạn đã tạm thời thất bại, và họ đã chuyển hướng sang tìm kiếm các thị trường khác.
Góp phần vào đà giảm giá bạc là việc Tập đoàn CME đã tăng biên lợi nhuận duy trì đối với hợp đồng bạc tương lai lên 17,9% vào ngày 1/2 để ứng phó với sự biến động bất thường của thị trường. Ngoài ra, các bài đăng trên diễn đàn Reddit mới đây cũng đã khuyến khích các nhà giao dịch tránh xa bạc.
Sự thay đổi của thị trường bạc đã khiến cơ quan quản lý hàng hóa của Mỹ giám sát kỹ lưỡng hơn đối với thị trường này. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết, sự gia tăng phối hợp đầu tư của các nhà giao dịch lẻ vào thị trường bạc sẽ chỉ đơn giản là làm tăng sự biến động và tạo ra sự chênh lệch nhỏ trong khu vực về động lực cung cầu.
Quỹ giao dịch trao đổi bạc lớn nhất thế giới, iShares Silver Trust, đã nắm giữ thêm khoảng 20 triệu ounce bạc vào ngày 1/2, sau khi thu về kỷ lục khoảng 34 triệu ounce vào cuối tuần trước.
Nhà phân tích James Steel của HSBC cho biết bạc có thể suy yếu nếu vàng không tăng cao hơn.
Cũng trong phiên này, giá bạch kim giảm 3,5% xuống 1.088,59 USD/ounce, trong khi palladi giảm 0,2% xuống 2.241,14 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, chiều 2/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,35- 57,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).