Khoảng 15 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 2.258,53 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.262,19 USD/ounce trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,8% lên 2.279,50 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho biết việc báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ không có gì gây bất ngờ có thể giúp giá vàng tiến sau hơn vào vùng kỷ lục mới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ “phù hợp với những gì chúng tôi muốn thấy”. Dữ liệu cho thấy giá cả ở Mỹ đã chững lại trong tháng 2/2024, với chỉ số giá PCE tăng 0,3%.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược 69% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Vàng đã ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất trong hơn 3 năm trong tháng 3/2024 sau đợt phục hồi mạnh mẽ nhờ đồn đoán cắt giảm lãi suất, nhu cầu trú ẩn an toàn lớn và sức mua của ngân hàng trung ương.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 25,15 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2% lên 909,76 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,9% lên 1.023,95 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 17 giờ 31 phút chiều 1/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,60 - 81,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tăng
Giá dầu tăng trong phiên ngày 1/4 trên thị trường châu Á, nới rộng các mức tăng gần đây giữa đồn đoán nguồn cung thắt chặt hơn do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm nguồn cung, các hành động quân sự đối với cơ sở lọc dầu Nga và do số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc đã hỗ trợ triển vọng nhu cầu cải thiện.
Trong phiên chiều 1/4, giá dầu Brent biển Bắc có lúc tăng 24 xu (0,3%) lên 87,24 USD/thùng sau khi tăng 2,4% trong tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 28 xu (0,3%) lên 83,45 USD/thùng, sau khi tăng 3,2% trong tuần trước.
Khối lượng giao dịch ước tính thấp trong ngày 1/4 trong bối cảnh một vài nước đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh.
Giá hai loại dầu chủ chốt trên đều đóng cửa ở mức cao trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 3/2024, với giá dầu Brent trên mức 85 USD/thùng kể từ giữa tháng 2/2024 khi OPEC+ cam kết việc gia hạn cắt giảm sản lượng sẽ kết thúc vào tháng 6/2024. Điều này có thể làm thắt chặt nguồn cung trong mùa hè ở Bắc Bán cầu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 29/3 cho hay các công ty dầu của nước này sẽ tập trung vào việc giảm sản lượng thay vì xuất khẩu trong quý II/2024 để phân bổ đều việc cắt giảm sản lượng với các nước thành viên OPEC+ khác.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho biết nhu cầu dầu tại châu Âu mạnh hơn dự kiến, tăng 100.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2/2024.
Phân tích của Goldman Sachs cho thấy nhu cầu ổn định của châu Âu, mức tăng nguồn cung của Mỹ yếu đi, cùng với khả năng gia hạn cắt giảm của OPEC+ đến năm 2024 đã “lấn át” rủi ro giảm giá do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi kéo dài.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 29/3 cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đã giảm 6% trong tháng 1/2024 so với mức cao kỷ lục của tháng 12/2023, sau thời tiết băng giá.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên sau 6 tháng trong tháng 3/2024 đã hỗ trợ nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này, ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang là lực cản đối với nền kinh tế.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế Mỹ để tìm dấu hiệu cho thấy khi nào Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Thị trường chứng khoán đi ngược chiều sau số liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc
Các thị trường chứng khoán đi ngược chiều sau số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng nhẹ, trong khi đó hoạt động chế tạo sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh đã làm gia tăng hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang dần phục hồi sau khi chạm đáy.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4% xuống 39.803,09 điểm.
Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.077,38 điểm, khi các nhà giao dịch hoan nghênh thông tin cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng lần đầu tiên sau nửa năm, tạo động lực cho các nhà lãnh đạo đang nỗ lực khởi động nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Hoạt động sản xuất trong tháng 3/2024 của Trung Quốc đã tăng lên 50,8, mức tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2023 và cao hơn so với dự báo.
Thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ. Chứng khoán Seoul, Singapore và Manila tăng, trong khi chứng khoán Jakarta giảm.
Số liệu PCE được mong chờ lâu nay, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã cho thấy mức tăng ít hơn so với tháng 2/2024, cho dù PCE lõi giảm nhẹ.
Chủ tịch Fed Powell nhận định số liệu này khá trùng khớp với dự báo của ngân hàng và các nhà thực hiện chính sách đang hướng đến mục tiêu lam phát dài hạn 2%.
Dữ liệu trên mặc dù có ít tác động đến dự đoán của các nhà giao dịch về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6, song Chủ tịch Powell cảnh báo rằng lãi suất khó có thể giảm xuống mức đã ghi nhận sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.