Vào đầu phiên sáng nay, ngày 9/10, giá vàng giao ngay tăng 1% lên ngưỡng 1.850,87 USD/ounce. Trong khi giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 1,1%, đạt 1.865,20 USD/ounce.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bạo lực gia tăng tại khu vực Trung Đông đã khiến giá dầu tăng vọt. Tương tự, đồng USD và đồng yen của Nhật Bản cũng lên giá và các hợp đồng chứng khoán tương lai của Mỹ xuất hiện xu hướng tăng.
Cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã phần nào lấy lại được đà tăng sau liên tiếp nhiều ngày giảm giá, rơi xuống ngưỡng thấp nhất của 7 tháng. Thị trường chứng khoán thế giới cũng kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10 trong sắc xanh, nhờ báo cáo việc làm vượt kỳ vọng của Mỹ hỗ trợ sự lạc quan cho các nhà đầu tư.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng 9, gần gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế Phố Wall. Đây là giai đoạn việc làm tăng mạnh nhất trong 8 tháng qua tại Mỹ, khi hoạt động tuyển dụng tăng trên diện rộng, cho thấy sức mạnh thị trường lao động mạnh mẽ có thể tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi kế hoạch tăng lãi suất.
Ngày 6/10, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, thông báo lượng vàng nắm giữ của quỹ này đã giảm 0,2% xuống còn 865,85 tấn.
Tại một số quốc gia lớn của châu Á, nhu cầu về vàng đang có sự cải thiện, do giá vàng giảm sâu đã thu hút người mua. Tại Ấn Độ, chênh lệch giá mua vào và bán ra của vàng đạt mức cao nhất trong 17 tháng, khi các nhà kim hoàn tích trữ vàng thô để chuẩn bị cho hoạt động chế tác trang sức trước mùa lễ hội mua sắm lớn nhất năm vào tháng 12/2023.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 21,94 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 881,83 USD/ounce và giá palladium tăng 0,5% lên 1.163,49 USD/ounce.
Sáng nay (9/10), tại thị trường Hà Nội, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,80 - 69,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).