Vào lúc 9 giờ 02 phút sáng 18/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.770,26 USD/ounce, sau khi để mất 1,6% giá trị trong phiên 15/10. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.770,50 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống sau khi tăng lên mức cao 1,5904%, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh trong phiên ngày 15/10 sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 9/2021 của Mỹ bất ngờ tăng do đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho vàng là chỉ số đồng USD giảm 0,6% từ mức cao của năm 2021 đạt được trong tuần trước, sau khi các nhà đầu tư nhận thấy rằng mặc dù lạm phát có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất, song các ngân hàng trung ương khác cũng cần có hành động mạnh mẽ tương tự đối với chu kỳ thắt chặt (lãi suất) này.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey ngày 17/10 đã đánh đi tín hiệu mới rằng ngân hàng này sẵn sàng tăng lãi suất khi rủi ro lạm phát gia tăng.
Vàng vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ lạm phát, mặc dù việc giảm chương trình kích thích kinh tế và tăng lãi suất đẩy lợi nhuận trái phiếu chính phủ tăng.
SPDR Gold Trust GLD, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,3% xuống 980,1 tấn trong phiên 15/10 so với mức 982,72 tấn trong ngày 14/10.
Ngoài ra, số liệu chính thức đưa ra ngày 18/10 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý III/2021.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 23,34 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,4% xuống 1.050,80 USD/ounce và giá palladium giảm 0,7% xuống 2.059,18 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, tại thời điểm 8 giờ 45 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 57,05 - 57,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua.