Khoảng 13 giờ 49 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.961,79 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 1.975,90 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,3% khiến kim loại quý được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn cho khách hàng nước ngoài.
Michael Langford, giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide, cho hay thị trường đang chờ đợi Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) và cuộc họp Ủy ban Chính sách tiền tệ của Fed để tìm kiếm định hướng rõ ràng hơn của giá vàng. Tuy nhiên, vẫn thiếu chất xúc tác để vàng “lấp lánh” hơn các tài sản khác bất chấp quyết định chính sách của Fed.
Theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters, CPI tháng 5/2023 của Mỹ dự kiến sẽ cho thấy mức tăng lạm phát chậm lại, từ 4,9% trong tháng 4/2023 xuống 4,1%.
Mặc dù vàng được xem là tài sản đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát, song lạm phát cao hơn gây sức ép lên tài sản không sinh lời như vàng.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đồn đoán 75,8% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, còn 24,2% khả năng lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản.
Ngân hàng ANZ cho hay nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu, đang giảm xuống do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu theo mùa ảm đạm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 24,152 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 993,39 USD/ounce, còn giá palladium cộng thêm 0,8% lên 1.360,85 USD/ounce.
ANZ dự kiến giá bạch kim sẽ tăng lên 1.150 USD/ounce, còn giá palladium dao động gần mức 1.420 USD/ounce vào cuối năm nay.
Tại Việt Nam, lúc 14 giờ 34 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 - 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).