Vào lúc 14 giờ 24 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.885,47 USD/ounce, sau khi giảm 0,5% lúc đầu phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ nhích nhẹ 0,1% lên 1.886,50 USD/ounce.
Jigar Trivedi, nhà phân tích hàng hóa thuộc công ty môi giới Anand Rathi Shares tại Mumbai cho hay đồng USD suy yếu, nhu cầu đầu tư phục hồi và Fed không có động thái chính sách nào lớn trong ngắn hạn là những yếu tố giúp vàng đạt mức 1.885 USD/ounce gần đây.
Chỉ số đồng USD đã giảm 0,3% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 7/1 so với giỏ tiền tệ chính, giúp vàng hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền tệ khác.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức thấp của hai tuần, làm giảm chi phí cơ hội nắm hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,3% lên 1.046,12 tấn trong ngày 24/5.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết mức hỗ trợ quan trọng của vàng nằm ở khoảng 1.845 USD/ounce, mức dao động trung bình trong 200 ngày của vàng. Khi vàng còn giữ được trên mức đó, xu hướng tăng sẽ được duy trì, còn mức kháng cự vẫn là 1.890 USD/ounce.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis James Bullard dự báo lạm phát sẽ trên mức 2%, song nhưng một số quan chức Fed, bao gồm Bullard, ủng hộ quan điểm rằng chính sách sẽ được duy trì trong một thời gian.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 1,1% lên 2.758,16 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp của một tháng trong ngày 24/5. Giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 27,72 USD/ounce, còn giá bạch kim ổn định ở mức 1.175 USD/ounce.
Trong khi đó, lúc 15 giờ 13 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,02 - 56,39 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Phiên 25/5, giá dầu châu Á ổn định quanh mức cao nhất trong một tuần
Giá dầu tại châu Á ổn định trong phiên 25/5, duy trì quanh mức cao nhất trong một tuần sau khi tăng hơn 3% trong phiên trước, khi các nhà đầu tư nhận thấy khả năng dầu xuất khẩu của Iran sẽ sớm quay lại thị trường quốc tế giảm đi.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1 xu Mỹ, xuống 68,45 USD/thùng vào lúc 14 giờ 1 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng 3% trong phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn của Mỹ giảm 8 xu Mỹ, xuống 65,97 USD/thùng, sau khi tăng 3,9% trong phiên trước.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran dự kiến sẽ được nối lại tại Vienna (Áo) trong tuần này. Các cuộc đàm phán lại được thúc đẩy sau khi Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế gia hạn thỏa thuận giám sát đối với chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này.
Những lo ngại về việc Iran sẽ sớm bán dầu trở lại nếu một thỏa thuận đưa đến việc lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các bên khác đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô được dỡ bỏ đã kéo giá dầu xuống trước đó, nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc.
Nhà phân tích Sophie Griffiths tại OANDA cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã làm giảm đi hy vọng về một thỏa thuận khi nói rằng không có dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tuân thủ các cam kết.
Tuy nhiên, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu từ đại dịch vẫn không đồng đều, cho thấy một triển vọng khác biệt về nhu cầu dầu.
Các nước châu Âu và Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm, cho phép các chính phủ nới lỏng các hạn chế, trong khi ở các nước khác như Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao.