Trong khi đó, các thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ nhằm tìm kiếm manh mối về động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chiều 8/2, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.819,71 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 1.820,40 USD/ounce.
Chiến lược gia Margaret Yang tại công ty phân tích DailyFX (Mỹ) cho hay diễn biến trong quan hệ giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá vàng lên cao. Ngoài ra, nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, công bố ngày 10/1, trong đó có đồn đoán rằng lạm phát tháng 1/2022 sẽ cao hơn mức ghi nhận trong tháng 12/2021.
Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 1/2022 dự kiến tăng 7,3%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ổn định ở gần mức cao nhất trong hơn hai năm đã làm hạn chế đà tăng của vàng.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát và rủi ro địa chính trị, tuy nhiên, tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà phân tích lưu ý nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng đã giúp “bù đắp” sức ép từ đồn đoán Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất trong năm nay.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,56% xuống 22,86 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,5% xuống 1.015,20 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,2% xuống 2.258,29 USD/ounce.
Tại Việt Nam, lúc 15 giờ 54 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61,85 – 62,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).