Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay hầu như không đổi, ở mức 1.513,19 USD/ounce, sau khi đã giảm 0,2% hồi đầu phiên. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,3% kên 1.515,3 USD/ounce.
Phiên này, nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán sau một loạt những thông tin tích cực hồi tuần trước. Đó là Washington và Bắc Kinh thông báo hai bên đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại, bên cạnh các số liệu lạc quan hơn dự kiến về tình hình thị trường lao động Mỹ trong tháng 10/2019.
Theo chuyên gia Hareesh V thuộc công ty tài chính Geojit Financial Services, những thông tin xung quanh đàm phán thương mại Mỹ - Trung chỉ có ảnh hưởng nhất thời tới giá vàng chừng nào những căng thẳng này chưa hoàn toàn được giải quyết.
Nhà phân tích thị trường Margaret Yang Yan tại công ty tư vấn đầu tư CMC Markets cho rằng trong ngắn hạn, tâm lý thị trường đang quá lạc quan để các nhà đầu tư chú ý đến vàng. Chuyên gia này lưu ý thêm rằng một đồng USD yếu hơn đang giúp hạn chế mức suy giảm của giá kim loại quý này.
Đồng USD đã cố gắng tăng trong phiên thứ Sáu tuần trước (1/11) sau khi các số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, nỗ lực của đồng bạc xanh đã tiêu tan bởi kết quả khảo sát ngành chế tạo Mỹ tỏ ra không mấy tươi sáng.
Phiên này, chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác – đang “kẹt” ở mức 97,218 sau khi đã rơi xuống mức thấp của ba tháng là 97,107 trong phiên thứ Sáu tuần trước. Hiện đồng tiền này đang hướng tới mức thấp ghi nhận hồi tháng Tám là 97,033.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 18,16 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 0,9% lên mức 954,93 USD/ounce.
Còn tại thị trường trong nước, vào lúc 16h 35 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,79 - 42,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý giao dịch ở mức 41,9 - 42,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).