Chiều 7/5, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.818,73 USD/ounce, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/2 trong phiên này. Kim loại quý này đã tăng gần 3% trong tuần này. Giá vàng Mỹ tăng 0,2% lên 1.818,80 USD/ounce.
Brian Lan, giám đốc điều hành tại GoldSilver Central, cho hay đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm dưới 1,6% đã hỗ trợ giá vàng leo lên trên mốc 1.800 USD/ounce. Số liệu việc làm Mỹ cũng là yếu tố rất quan trọng, nếu số liệu đưa ra tích cực, thị trường có thể lạc quan về nền kinh tế và có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, điều mà sẽ tác động đến vàng.
Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức thấp của một tuần so với rổ tiền tệ chính, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giao dịch quanh mức thấp của 2 tuần.
Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ. Các nhà kinh tế dự báo Mỹ sẽ bổ sung thêm 978.000 việc làm mới trong tháng 4/2021.
Số liệu công bố ngày 6/5 cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ đã giảm xuống mức thấp của 13 tháng.
Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland, cho hay triển vọng kinh tế đang tươi sáng hơn, song cần có thêm nhiều yếu tố tích cực khác trước khi Fed bắt đầu giảm dần hỗ trợ tiền tệ.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao thuộc hãng tin Reuters nhận định vàng giao ngay có thể thử nghiệm mức kháng cự 1.830 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,6% lên 2.963,43 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 3.017,18 USD/ounce hồi đầu tuần. Trong khi giá bạc giảm 0,1% xuống 27,26 USD/ounce, dù cho kim loại quý này tăng hơn 5% trong tuần này. Giá bạch kim giảm 0,5% xuống 1.246,79 USD/ounce.
Vào lúc 15 giờ 40 phút ngày 7/5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,62 - 55,99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á chiều 7/5 phục hồi nhờ số liệu kinh tế khả quan của Mỹ và Trung Quốc
Giá dầu châu Á phục hồi trong phiên giao dịch chiều 7/5 sau khi giảm 1% trong phiên trước do số liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc và Mỹ, mặc dù đại dịch COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ đã hạn chế đà tăng giá "vàng đen".
Vào lúc 13 giờ 16 phút chiều (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 7/2021 tăng 31 xu Mỹ (0,5%) lên 68,40 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2021 cũng tăng 29 xu Mỹ (0,5%) lên 65 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đều đang trên đà tăng tuần thứ hai liên tiếp khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu. Các nhà máy khôi phục hoạt động và chương trình tiêm chủng đẩy mạnh đã mở đường cho nhu cầu nhiên liệu phục hồi, trong khi đó nhu cầu du lịch mùa hè tăng sẽ khiến tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay tăng nhanh hơn nữa.
Tại Trung Quốc, số liệu cho thấy xuất khẩu bất ngờ tăng nhanh trong tháng 4/2021, trong khi một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 32,3% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán tăng 24,1% trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, nhờ nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng điện tử và khẩu trang y tế.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, báo hiệu thị trường lao động phục hồi và bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh nền kinh tế này đang tăng trưởng trở lại./.
Chứng khoán châu Á dịch chuyển ngược chiều trong phiên cuối tuần 7/5
Chứng khoán châu Á chiều 7/5 đã không thể duy trì đà tăng đồng đều hồi đầu phiên, khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ.
Chứng khoán Tokyo giảm bớt đà tăng hồi đầu phiên nhưng vẫn đóng cửa trong vùng tăng điểm, khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào cuối cùng ngày. Chỉ số Nikkei-225 phiên này tăng 0,09% (tương đương 26,45 điểm) lên 29.357,82 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ ba liên tiếp nhờ hy vọng ngày càng tăng về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc. Phiên này, Chỉ số Kospi tăng 0,58% (18,46 điểm) và khép phiên ở mức 3.197,2 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai và Bangkok đều lên điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Trung Quốc đi xuống do hoạt động chốt lời sau đợt tăng trong phiên sáng. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,09% (tương đương 26,81 điểm) xuống 28.610,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,65% (22,41 điểm) xuống 3.418,87 điểm.
Chứng khoán Wellington, Manila và Jakarta cũng đi xuống.
Giới đầu tư đang chú ý chờ đợi các số liệu về thị trường việc làm của Mỹ được công bố vào cuối cùng ngày. Đây sẽ là chỉ dấu mới nhất về tình trạng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Báo cáo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi thống kê chính thức cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái. Trước đó, một báo cáo khác cũng cho hay khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra 742.000 việc làm mới trong tháng Tư.
Chuyên gia Mike Loewengart thuộc công ty tư vấn E * Trade Financial cho biết với những số liệu lạc quan trên, kỳ vọng rằng bức tranh toàn cảnh của thị trường việc làm Mỹ sẽ tươi sáng hơn đang tăng lên.
Ông cho rằng những số liệu này là một bằng chứng khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn tới sự phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, khi thị trường việc làm khởi sắc hơn, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng như thế nào.
Tại thị trường trong nước, chỉ số VN - Index chốt phiên 7/5 giảm 8,76 điểm (0,7%) xuống 1.241,81 điểm. HNX - Index cũng để mất 1,23 điểm (1,23%) xuống 279,86 điểm.