Giá vàng châu Á giảm phiên chiều 16/9 do đồng USD mạnh

Giá vàng châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 16/9 do đồng USD mạnh làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm thông tin về thời gian rút các chương trình kích thích kinh tế và tăng lãi suất.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.785,13 USD/ounce, vào lúc 14 giờ 02 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.787,40 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD trong phiên giao dịch này tăng 0,2%.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại trung tâm SPI Asset Management, cho biết, ngân hàng trung ương các nước muốn rút dần các chính sách hỗ trợ khẩn cấp mà vào thời điểm này không còn cần thiết nữa và điều đó sẽ tác động tiêu cực tới giá vàng trong trung hạn.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed sẽ họp hai ngày 21-22/9 trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc rút ngắn chương trình mua trái phiếu của Fed từ năm nay.

Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng do quỹ nắm giữ đã giảm 0,2% xuống 998,46 tấn vào ngày 15/9.

Vào cuối phiên giao dịch ngày 16/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,50 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu đi xuống phiên 16/9 trên thị trường châu Á

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch ngày 16/9, giá dầu giảm nhẹ trên thị trường châu Á, sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó do lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán.

Vào đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 12 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 75,34 USD/thùng, sau khi tăng đến 2,5% trong phiên trước. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 14 xu Mỹ, hay 0,2%, và được giao dịch ở mức 72,47 USD/thùng, sau khi tăng 3,1% trong phiên 15/9.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/9 đã giảm 6,4 triệu thùng xuống 417,4 triệu thùng, mạnh hơn nhiều so với mức giảm dự đoán 3,5 triệu thùng trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Bão Ida đã khiến nguồn cung dầu toàn cầu giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua. Nhưng thị trường “vàng đen” được dự đoán sẽ bắt đầu tiến đến trạng thái cân bằng trong tháng Mười, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, thực hiện kế hoạch tăng sản lượng.

Theo Cơ quan thực thi an toàn và môi trường Mỹ, tính đến ngày 15/9, khoảng 30% hoạt động sản xuất dầu tại Vịnh Mexico của Mỹ vẫn đang tạm dừng sau bão Ida.

Chứng khoán châu Á mất đà phiên chiều 16/9

Chú thích ảnh
Các giao dịch viên tại sàn chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong chiều 16/9, với chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đà giảm sau các động thái siết chặt kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc đối với các lĩnh vực của nền kinh tế.

Diễn biến tăng điểm mạnh mẽ trên thị trường Phố Wall không đủ để thúc đẩy hoạt động mua tại thị trường khu vực châu Á, nơi những lo ngại về biến thể Delta đang lan rộng và tác động của nó đối với đà phục hồi kinh tế đang làm nhà đầu tư giảm dần niềm tin.

Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà giảm của khu vực châu Á trong phiên này, khi chuỗi giảm điểm tại đây kéo dài sang phiên thứ tư liên tiếp và nhà đầu tư còn nhiều lo ngại về động thái thắt chặt kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.

Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,46% (365,36 điểm) xuống 24.667,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 1,34% (49,13 điểm) và khép phiên ở mức 3.607,09 điểm.

Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi sát tình hình ở Trung Quốc, nơi một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của nước này là Evergrande đang chìm trong nợ nần và có thể dẫn đến phá sản. Giới quan sát lo ngại nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, nền kinh té lớn thứ hai thế giới sẽ chịu tác động bất lợi từ vụ phá sản của Evergrande.

Chứng khoán Nhật Bản đã để mất đà tăng hồi đầu phiên và đóng cửa thấp hơn trong chiều 16/9 do các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây. Chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo giảm 0,62% (188,37 điểm) xuống 30.323,34 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc dứt chuỗi 4 ngày tăng liên tiếp vào phiên 16/9, khi các cổ phiếu công nghệ “nặng ký” bị mất điểm. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 0,74% (23,31 điểm) và đóng cửa ở mức 3.130,09 điểm.

Trong khi các thị trường đang vật lộn để kéo dài đà tăng đã diễn ra hơn một năm từ giai đoạn suy sụp hồi đầu dịch COVID-19 năm ngoái, giới phân tích vẫn lạc quan rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi từng bước sau đại dịch.

Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price cho biết đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn khá mạnh dù đã qua mức đỉnh, được hỗ trợ bởi các biện pháp tăng thanh khoản của ngân hàng trung ương, tiến độ phân phối vaccine được đẩy nhanh và đà mở cửa tiếp tục bất chấp sự lan rộng của biến thể Delta.

Song công ty cũng cảnh báo rằng giai đoạn "giảm tốc" của chu kỳ thị trường đã bắt đầu, thể hiện qua việc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số VN - Index nhích 0,04 điểm lên 1.345,87 điểm, trong khi HNX - Index tăng 2,5 điểm (0,71%) lên 353,24 điểm.

Vân Anh - Khánh Ly - H.Thủy (TTXVN)
Giá vàng trong nước sáng 16/9 ổn định
Giá vàng trong nước sáng 16/9 ổn định

Sáng 16/9, các doanh nghiệp tiếp tục giữ nguyên niêm yết đối với giá vàng trong nước, mặc dù giá vàng thế giới có những phiên tăng giảm liên tục. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN