Riêng tại huyện Cù Lao Dung, do yếu tố đi lại khó khăn nên các thương lái chỉ thu mua với giá dao động từ 77.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng và tôm sú kích cỡ 50 con/kg có giá dao động từ 100.000 đồng đến 105.000 đồng/kg, ổn định hơn so với loại tôm cỡ nhỏ.
Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề chia sẻ, giá tôm cỡ nhỏ đang ở mức thấp là xu thế chung của thị trường. Trong thời gian này, các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu thu mua tôm cỡ lớn, từ 50 con/kg trở lên để cung ứng cho các hợp đồng đã ký kết nên giá tôm cỡ nhỏ phải chững lại. Dự kiến đến tháng 8/2019, các hợp đồng thu mua tôm cỡ nhỏ được thực hiện thì loại tôm cỡ này mới có biến động tăng giá.
Trước tình hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề đã khuyến cáo người nuôi thực hiện thả thưa để chờ tôm lớn theo từng đợt. Bởi tôm cỡ từ 40 con đến 70 con/kg luôn có giá ổn định, được nhiều thị trường ưa chuộng.
Đồng thời, cán bộ khuyến nông khuyến ngư của huyện cũng khuyến cáo người nuôi thực hiện quan trắc môi trường, xử lý ao nuôi trước khi thả tôm. Có như vậy, các loại vi khuẩn và mầm bệnh có trong ao mới được tiêu diệt đến mức tối đa, giảm tỷ lệ thiệt hại trong quá trình nuôi tôm. Tính đến cuối tháng 6, người dân huyện Trần Đề đã thả nuôi 3.500 ha tôm các loại, đạt 80% kế hoạch sản xuất tôm nguyên liệu của huyện.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Sóc Trăng cho biết đã khuyến cáo người nuôi 3 giải pháp chính để vượt qua giai đoạn tôm cỡ nhỏ gặp khó khăn về giá hiện nay. Đó là các địa phương và người nuôi cùng ứng dụng kỹ thuật nuôi để giảm giá thành sản xuất ra 1 kg tôm, thả thưa để tạo môi trường an toàn cho con tôm, giảm tỷ lệ thiệt hại trên ao tôm.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo người nuôi cần duy trì diện tích tôm lúa, tôm sinh thái để tạo nguồn tôm sạch giá trị cao cho người nuôi trong tỉnh.