So với cách đây khoảng 2 tuần, giá thịt đã tăng mạnh đến 15.000 đồng/kg. Lúc thấp điểm, thịt mông chỉ 65.000 đồng/kg; nạc vai và thăn chỉ 75.000 đồng/kg.
Tại các chợ: Nguyễn Công Trứ, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Mùng 8-3, Chợ Hôm - Đức Viên... giá thịt lợn mông 95.000 đồng/kg; nạc thăn, nạc vai 105.000 đồng/kg; sườn 110.000-120.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Liên, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, giá thịt lợn hiện lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, tăng đến 20.000 - 25.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tăng lên hàng ngày nên giá bán thịt lợn thương phẩm cũng tăng theo và không biết đến mức nào sẽ không tăng nữa?.
Bà Lê Thị Dung, ở phố Lò Đúc cho biết, bà hay đi chợ Nguyễn Công Trứ vì thấy giá cả rau xanh, thịt lợn, tôm cá ở chợ này rất hợp lý và tươi. Nhưng gần nửa tháng nay giá thịt lợn tăng lên mỗi ngày. "Mọi khi tôi mua 30.000 đồng là đủ bữa ăn của gia đình, nay mua 40.000 đồng mới đủ. Thời tiết giờ diễn biến thất thường, mưa bão liên tiếp, tôi sợ không chỉ thịt mà rau xanh còn đắt nữa", bà Dung nói.
Lý giải về việc giá thịt lợn tăng mạnh trong những ngày qua tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu thịt lợn sau bão giá (sau vụ khủng hoảng về lợn cuối năm 2017), người nông dân đã rút kinh nghiệm và biết nuôi cầm chừng, biết điều tiết đầu ra đầu vào nên không phát triển đàn ồ ạt.
Bên cạnh đó, việc nhập thịt lợn cũng hạn chế nên số lượng lợn khan hiếm hơn, đương nhiên giá tăng. Hiện nay, các chủ trang trại chủ yếu bán số đầu lợn ra quá nhiều mà chưa kịp nhập tái đàn, đáp ứng chăn nuôi.
Mặc dù giá lợn hơi tăng nhưng nguồn cung trong nước vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân không lo thiếu. Trải qua đợt khủng hoảng lợn cuối năm 2017, người chăn nuôi đã biết nuôi cầm chừng, không tái đàn ồ ạt, thậm chí những hộ chăn nuôi lớn tự bố trí được đầu ra cho con lợn nên cũng điều tiết được giá cả.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cảnh báo, với giá thịt lợn hơi tăng như hiện nay, người chăn nuôi có lãi mà lại tái đàn ồ ạt thì rất nguy hiểm. Để đảm bảo chăn nuôi bền vững người chăn nuôi nên ký được hợp đồng đầu ra cho sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, cần tăng cường liên kết chuỗi và đảm bảo an toàn dịch bệnh thì mới giữ vững và ổn định giá được.
Trước đó, theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 7/2018, giá các loại thực phẩm sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào và cầu chưa có dấu hiệu tăng đột biến.