Ngày 1/7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với công an huyện Đình Lập, Lạng Sơn phát hiện 2 xe ô tô đang vận chuyển 18 con lợn thịt, tổng trọng lượng 3.040 kg nhập lậu từ hướng biên giới xã Bắc Xa. Chủ số hàng trên đã khai nhận, toàn bộ số lợn trên mua từ bên Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn biên giới về Việt Nam.
Trước đó, ngày 6/6, cũng tại địa bàn huyện Đình Lập, Đội 389 tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra và bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 13 con lợn (tổng trọng lượng 1.550 kg) được vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng trên.
Ngày 26/6/2018, lực lượng liên ngành Lạng Sơn bắt giữ xe chở 36 bao tải chứa 2.000 kg Nầm lợn đông lạnh hôi thối, không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Trước đó, ngày 1/6, Đội Quản lý thị trường số 10, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ tại khu vực Tân Thanh huyện Văn Lãng một xe ô tô tải mang biển kiểm soát 20C - 123.74 đang vận chuyển 5 con lợn sống với tổng trọng lượng trên 425 kg, được nhập lậu qua biên giới vào nội địa.
Theo Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian gần đây, giá lợn hơi thị trường trong nước tăng cao, nên một số đối tượng đã lợi dụng địa bàn Lạng Sơn có nhiều đường mòn, lối tắt để vận chuyển trái phép lợn hơi qua biên giới, chuyển sâu vào nội địa với mục đích bán kiếm lời.
Không chỉ tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng các địa phương có khu vực biên giới như Quảng Ninh, Lào Cai… cũng liên tiếp phát hiện lợn Trung Quốc được nhập lậu về Việt Nam.
Ngày 9/5 tại Trạm kiểm soát biên phòng Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh), Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với tổ kiểm soát Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã bắt giữ xe ô tô tải BKS 17C - 051.07 chở 12 con lợn nái, tổng trọng lượng 1,3 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Số lợn trên được các đối tượng vận chuyển khai nhận mua của người dân Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/con, sau đó nhập lậu về xã Quảng Ninh giết mổ để bán ra chợ.
Ngày 31/5, tại xã Quảng Đức (Hải Hà, Quảng Ninh), lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải BKS 14C - 203.71 đi từ phía kè biên giới lên quốc lộ 18C, trên xe chở 35 con lợn giống, tổng trọng lượng 350 kg. Đối tượng vận chuyển khai nhận, đã vào nhà hộ dân ở giáp biên giới mua 35 con lợn này với giá 5.250 nhân dân tệ (khoảng hơn 18,2 triệu đồng).
Tới ngày 17/6 tại xã Hải Tiến (Móng Cái), Tổ tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã bắt giữ xe ô tô tải BKS 14C - 167.56 chở 8 con lợn, tổng trọng lượng 1 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã tạm giữ phương tiện và tang vật, lập biên bản xử lý và tiêu hủy toàn bộ 8 con lợn theo quy định.
Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ nầm lợn nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Quang Duy - TTXVN |
Nếu lợn được nhập lậu ồ ạt về Việt Nam theo đường tiểu ngạch sẽ không kiểm soát được về dịch bệnh. Do vậy, từ đầu tháng 5/2018, khi giá lợn hơi trong có xu hướng tăng mạnh, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ lợn từ các nước xung quanh có thể tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), phải kiểm soát tốt để tránh nguy cơ lợn Trung Quốc ùa sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch, gây xáo trộn trên thị trường, nhất là ở các tỉnh miền Bắc giáp ranh Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, số lượng lợn hơi được nhập lậu về Việt Nam không đáng kể, vì chỉ được vận chuyển qua đường tiểu ngạch, đường mòn. Tại các cửa khẩu lớn đã được quản lý chặt chẽ, không thể qua được.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ lợn tại Trung Quốc rất lớn, phải nhập hàng triệu tấn thịt lợn mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Những trại nuôi công nghiệp đã có hợp đồng mua bán dài hạn. Lợn được nhập về chủ yếu mua từ những hộ chăn nuôi nuôi nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, để đề phòng tình trạng nhập lậu lợn diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, chủ động triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại.