Mỗi lít xăng RON 95 vừa tăng thêm gần 1.500 đồng, lên mức 24.330 đồng, cao nhất trong 7 năm qua do áp lực tăng "thẳng đứng" của giá thế giới. Tại chợ dân sinh, giá thịt lợn mới tăng thêm 10.000 - 12.000 đồng/kg do giá lợn hơi hồi phục. Đặc biệt, giá rau xanh, củ quả vẫn tăng do đợt mưa kéo dài, khiến sức mua tiếp tục giảm.
Những ngày gần đây, thông tin giá lợn hơi liên tục tăng sau thời gian dài chạm đáy, xuống dưới giá thành sản xuất. Tính đến ngày 27/10, giá lợn hơi đạt khoảng 48.000 - 52.000 đồng, dần phục hồi từ mức đáy chỉ 32.000 - 38.000 đồng/kg hôm 20/10. Do vậy, giá thịt lợn thành phẩm tại nhiều chợ nhích lên.
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai); chợ Trại Găng, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình); chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho thấy: Giá thịt lợn tăng thêm 10.000 - 12.000 đồng/kg, thậm chí 15.000 đồng/kg, tuỳ loại. Nếu như tuần trước, thịt lợn ba rọi là 130.000 đồng/kg, nay tăng lên 145.000 đồng/kg; sườn thăn 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt nạc vai 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg… Một số tiểu thương chia sẻ, do giá lợn hơi tăng, giá xăng dầu cao, khiến phí vận chuyển đội lên, nên phải tăng giá hàng hoá.
Thực phẩm bán lẻ đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg ở hầu hết các sản phẩm, hiện giá bán trong khoảng 60.000 - 147.000 đồng/kg. Cụ thể: Thịt ba rọi và sườn non có giá bán lần lượt là 117.000 đồng/kg và 147.000 đồng/kg. Ngày 27/10, giá thịt lợn mát Meat Deli tăng 10.000 đồng/kg đối với thịt nạc vai lên 139.900 đồng/kg. Mức giá đang bán dao động trong khoảng 129.900 - 189.900 đồng/kg.
Trong suốt 2 tuần qua, giá mặt hàng rau xanh vẫn tăng “chóng mặt”. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 27/10, tiểu thương bán rau tại phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Rau ngót, mồng tơi, rau muống... tăng gấp đôi so với trước. Hiện, giá rau ngót là 15.000 đồng/mớ; mồng tơi 15.000 đồng/mớ; rau muống 20.000 đồng/mớ. Loại rau củ quả như bí xanh tăng 10.000 đồng/kg so với trước, với giá bán là 25.000 đồng/kg; su su 17.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; củ cải trắng 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg; củ su hào bé 5.000 đồng/củ, đợt dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội chỉ có 2.000 đồng/kg”.
Đáng chú ý, các loại rau gia vị như hành lá, rau mùi, mùi tàu, thìa là... có mức tăng mạnh, với giá bán từ 70.000 – 80.000 đồng/kg; đặc biệt giá rau thì là lên tới 180.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt lợn.
Chị Nguyễn Thị Hoà, tiểu thương buôn bán rau xanh tại chợ Hà Đông cho biết: Những ngày qua, lượng rau củ về chợ đầu mối khá ít, nhất là những loại rau ăn lá mùa vụ như rau muống, rau cải… Nguyên nhân giá rau tăng mạnh do ở miền Bắc mưa lớn liên tục, khiến các loại rau ăn lá họ cải và các loại rau thơm bị dập nát, úng thối. Giá tăng từ chợ đầu mối, nên giá bán lẻ tại chợ phải tăng theo.
Bên cạnh đó, do hiện nay, rau vụ đông chưa thu hoạch rộ, trong khi đó, rau vụ hè đã hết mùa, tại thời điểm giao vụ hàng năm, giá rau luôn nhích lên đáng kể và sẽ giảm mạnh sau đó. Dự kiến, giá rau xanh vẫn ở mức cao và có thể giảm sau 2 tuần nữa, khi rau vụ đông chính thức cho thu hoạch rộ.
Theo nhiều tiểu thương tại chợ dân sinh, mặc dù giá lợn hơi tăng, thịt lợn bán lẻ nhích lên, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp so với vài tháng trước; giá thịt bò ổn định, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá tôm, hải sản đều giảm, nhưng bán chậm, bởi các trường học, bếp ăn lớn chưa hoạt động; nhiều nhà hàng, quán nhậu khách vắng nên nhập hàng ít…
Tại chợ Lò Lợn, phố Bạch Mai, tiểu thương quầy hải sản, chị Thu Hoài cho biết: “Các mặt hàng tôm, cá đều giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước, nhưng "ế khách", lượng khách giảm tới 50% so với trước. Hiện, giá cá rô phi loại to là 40.000 đồng/kg; cá trắm to 60.000 đồng/kg; tôm lớp 22.000 đồng/kg, giảm 10.000 đên 20.000 đồng/kg so với trước”.
Một số quầy thịt tại chợ Trại Găng cũng rơi vào tình trạng ế ẩm dù giá thịt bò không biến động. Hiện, giá một số loại thịt bò thăn, bắp bò dao động từ 240.000 - 250.000 đồng/kg, lượng khách mua giảm tới 60% so với trước, do người dân thặt chặt chi tiêu. Ngay cả các quầy gạo, hàng trứng, đồ khô... tình trạng ế ẩm cũng diễn ra tương tự.
Chủ cơ sở bán gạo, đồ khô Hải Ninh, phố Thanh Nhàn than thở: “Hàng hoá bán chậm, sức mua giảm tới 60% so với trước. Nhiều người đã mua dự trữ gạo, đồ khô từ đợt Hà Nội áp lệnh giãn cách. Giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng thêm, nhưng tôi không dám tăng giá vì hàng bán ế lắm”. Hiện, các loại gạo Thái, Tiến Vua... dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/kg; trứng gà ta tăng hơn chút, hiện 28.000 đồng/chục, giảm 15.000 đồng/chục so với trước.
Làm rõ trách nhiệm ‘nghịch lý’: Giá lợn hơi giảm nhanh, giá thịt tại chợ, siêu thị giảm 'nhỏ giọt'
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trong vài ngày qua, giá thịt hơi tăng và giá thịt lợn thành phẩm đã có chiều hướng giảm. Theo chiều hướng này, trong vài tháng cuối năm nay, giá thịt lợn sẽ được bình ổn và người chăn nuôi đã có thể hòa vốn và sẽ có lãi.
“Có thời điểm giá thịt lợn hơi giảm sâu, nhưng giá thịt thành phẩm tại các chợ, đặc biệt ở hệ thống siêu thị, giá thịt giảm ít. Vì vậy, cơ quan chức năng phải thanh kiểm tra quyết liệt tìm ra nguyên nhân, đi vào từng khâu, đặc biệt vấn đề chiết khấu tại các siêu thị. Việc đại diện một số siêu thị giải thích, giá thịt lợn thành phẩm cao do có hợp đồng đã ký trước đó từ 6 - 7 tháng, thời điểm giá thịt hơi cao, tôi cho rằng, chưa hợp lý bởi hợp đồng cần phải có các điều khoản 'từ chối'; phải có sự đàm phán theo đúng cung cầu thị trường để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Dưới đây là chia sẻ của một số tiểu thương bán rau, hàng hải sản về giá cả, sức mua tại chợ dân sinh ngày 27/10: