Cụ thể, ớt chỉ thiên loại I được thương lái mua tại ruộng có giá từ 60.000-70.000 đồng/kg; loại II , III dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg. Với mức giá cao này, người trồng đạt lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/công (1công=1.000m2) trong 4-5 tháng vòng đời của cây ớt.
Mấy năm nay, gia đình ông Trang Tấn Tài, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu như bầu, bí, mướp đắng, ớt… Năm nay, gia đình ông đón Tết Nguyên đán vui hơn bởi thu nhập tăng đáng kể nhờ 3 công ớt chỉ thiên mang lại. Ông tính toán, với giá bán 68.000 đồng/kg ớt loại I, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, vụ sản xuất ớt chỉ thiên năm nay, gia đình ông lãi khoảng 150 triệu đồng.
Ông Thạch Thương, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình ông trồng 2 công ớt chỉ thiên, hơn 2 tháng nay giá ớt tăng cao nên nông dân trồng ớt ở địa phương rất phấn khởi vì thu được nhiều lợi nhuận. Ông Thương chia sẻ, tuy cây ớt không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc, nhưng để có năng suất và chất lượng cao, người trồng phải chăm sóc và tưới tiêu hợp lý. Sau khi trồng 2,5 tháng, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu tiên, và thu hoạch nhiều đợt đến khi kết thúc chu kì của cây ớt.
Nhiều nông dân và thương lái cho biết giá ớt tăng cao là do nhiều diện tích trồng ớt tại các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do đợt lũ lụt vừa qua nên thị trường nội địa hút hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu ớt chỉ thiên hiện cũng đang tăng. Tuy đầu ra tương đối ổn định, nhưng cây ớt chỉ thích hợp trồng luân canh, vào vụ Đông Xuân vì vụ này, cây ớt hạn chế được bệnh thán thư và úng gốc nên cho năng suất và chất lượng cao nhất.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 10.000 ha đất giồng cát sản xuất lúa không hiệu quả, khó khăn về nguồn nước tưới vào mùa khô. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang vận động nông dân chuyển sang nuôi trồng các loại cây con khác cho hiệu quả cao hơn; trong đó, có ớt chỉ thiên vì những năm gần đây, đầu ra của cây ớt tương đối ổn định. Ngành cũng khuyến khích nông dân thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã để dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, thị trường tiêu thụ.