Anh Tạ Xuân Hiếu, phố Thiện Tiến, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình kiểm tra ớt trước khi thu hoạch.
|
Thực hiện nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Thiện Trạo, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa và hoa màu sang trồng ớt xuất khẩu.
Đây là mô hình liên kết “4 nhà” nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất chất lượng, thu nhập cho người nông dân và đảm bảo phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thiện Trạo hiện có 509 thành viên chuyên sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả. Trong cơ cấu sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2016, Hợp tác xã đã gieo trồng các loại cây hoa màu chủ lực như bắp cải, ngô, đậu…
Đặc biệt, Hợp tác xã đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ớt Việt Nam (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) vận động, khuyến khích người dân đầu tư trồng 2,6 ha ớt để phục vụ xuất khẩu. Sau khi mô hình được thành lập, đã có 45 thành viên đăng ký tham gia.
Từ khi triển khai mô hình, Công ty TNHH Ớt Việt Nam đã ký hợp đồng cam kết hỗ trợ, cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân tham gia. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật như chuẩn bị đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt… trước khi tiến hành gieo trồng. Được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Ớt Việt Nam, đến nay mô hình đã đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Gia đình anh Tạ Xuân Hiếu, phố Thiện Tiến, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình là hộ gia đình đi đầu trong mô hình trồng ớt với diện tích hơn 1 ha.
Anh Hiếu cho biết, do là vụ đầu tiên nên khi quyết định tham gia còn rất e ngại từ việc trồng ra sao, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu có thích nghi với đồng đất địa phương hay không… Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của Công ty TNHH Ớt Việt Nam, gia đình nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định nên quyết định chuyển đổi diện tích trồng rau trước đây sang trồng ớt.
Một trong những lí do khiến anh Hiếu và nhiều hộ gia đình trồng ớt ở Ninh Sơn yên tâm sản xuất chính là dưới sự hỗ trợ của Công ty TNHH Ớt Việt Nam các sản phẩm ớt của người trồng sẽ được trợ giá, giúp người nông dân sản xuất ổn định, tránh trường hợp được mùa mất giá.
Anh Hiếu cũng cho biết, trồng ớt đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn trồng lúa và cây hoa màu do cây ớt thuộc họ cà chua nên nhiều bệnh, thân mềm dễ gẫy. Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc cần phải chú ý để phòng ngừa bệnh cho cây, đồng thời chú ý thời gian để làm giàn khi cây lớn, tránh để cây bị gẫy, dập. Tuy nhiên, do được công ty hướng dẫn về kỹ thuật và được hỗ trợ cây giống, bón phân, phun thuốc cho đến khi thu hoạch nên người trồng ớt cũng yên tâm.
Ưu điểm của giống ớt này là cây công nghiệp phù hợp với nhiều loại đất, đặc biệt là đất 2 lúa, khai thác bền (sau khi trồng và chăm sóc từ 75 - 80 ngày cây ớt có thể cho thu hoạch trong thời gian 55 - 70 ngày tiếp theo, định kỳ thu hoạch 1 lần/tuần).
Ớt sẽ được thu hoạch từ quả xanh, sau khi hết lứa ớt xanh sẽ chuyển sang thu hái ớt chín theo yêu cầu. Khi ớt được thu hoạch, công ty sẽ đến tận hộ gia đình thu mua, sau đó sẽ tiến hành sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Ông Vũ Thiện Trí, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thiện Trạo, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết, giống ớt này rất khỏe, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, chỉ hơn 900.000 đồng/sào, bao gồm tiền giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh... Sản phẩm khi thu hoạch phải đảm bảo yêu cầu không thối nhũn và không bị sâu.
Sau khi triển khai mô hình trồng ớt ở Ninh Sơn, dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 1,2 - 1,5 tấn/sào, trị giá khoảng 11 - 15 triệu đồng/sào. Nếu so với trồng lúa, hoa màu như trước kia, cây ớt cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Không những vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm này tương đối rộng và ổn định. Ớt xuất sang Hàn Quốc quả to, đẹp sẽ được dùng trong trang trí bàn ăn, còn lại sẽ được nghiền để làm ớt bột.
Ông Phạm Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết, năm 2015, phường Ninh Sơn có đề ra nghị quyết về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.
Qua tìm hiểu và phối hợp với Công ty TNHH Ớt Việt Nam, Hội Nông dân phường đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng ớt xuất khẩu nhằm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Công ty TNHH Ớt Việt Nam đã ký cam kết với địa phương hỗ trợ, đầu tư và bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất.
Ông Hưng cũng cho biết, mặc dù hiệu quả vụ đầu tiên rất khả quan song địa phương sẽ tiếp tục trồng thí điểm thêm một vài vụ để đánh giá hiệu quả và quy hoạch để mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình.
Thời điểm hiện tại, các hộ nông dân trồng ớt ở Ninh Sơn đang tập trung thu hoạch ớt vụ Đông để kịp xuất khẩu. Thành công của mô hình sẽ là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như hiệu quả của liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.