Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm có ‘gợi ý’ cho việc tăng tái đàn?

Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ không ổn định ngành chăn nuôi nước ta đã phục hồi trở lại. Trong bối cảnh giá các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) hạ nhiệt và giá thịt lợn duy trì ổn định ở mức tốt, liệu đây có phải là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tái đàn?

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau khi đạt đỉnh vào năm ngoái, giá các mặt hàng nguyên liệu TACN hiện đều giảm mạnh. Trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mì đã hạ khoảng 15 - 30% so với hồi đầu năm. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, đồng thời tăng tỷ lệ tái đàn.

Chú thích ảnh
Giá ngô, đậu tương từ đầu năm nay.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì giảm tới cuối năm

Sau đợt nắng nóng tồi tệ kéo dài ở các khu vực sản xuất chính trong vài tháng qua, thị trường một lần nữa lo lắng giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ quay đầu tăng. Tuy nhiên, Báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào 23h tối qua (12/9) đã xoa dịu nỗi quan ngại này.

Theo báo cáo, mặc dù USDA đã cắt giảm năng suất ngô Mỹ niên vụ 2023/24 như dự đoán thị trường, nhưng ước tính diện tích thu hoạch tăng mạnh so với báo cáo tháng trước. Điều này dẫn tới sản lượng năm nay của Mỹ được dự báo sẽ vượt 15 tỷ giạ (384,42 triệu tấn) và là mức cao thứ hai lịch sử nước này, sau năm 2016.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Nguồn cung tại Mỹ gia tăng bất ngờ, sản lượng cải thiện ở Ukraine và Nam Phi là những thông tin quan trọng sau báo cáo tối qua. Trong vài tháng tới, thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang hoạt động sản xuất tại Nam Mỹ. Việc USDA duy trì quan điểm về vụ mùa bội thu tại Brazil và Argentina có thể sẽ giữ đà giảm giá các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất TACN ít nhất đến cuối năm nay”.

Đã đến lúc mở rộng sản xuất, tái đàn?

Hơn hai năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, giá sản phẩm bán ra thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm hơn 3 lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi còn phải chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu… ở mức cao. Do đó, cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta đã có bước chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ lệ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, giá tăng các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 - 7%/năm, riêng năm 2019 - 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 -20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất của các hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, ngược lại sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm đến 60 - 65%.

Chú thích ảnh
Cơ cấu nguồn cung thịt lợn Việt Nam năm 2022.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ngành chăn nuôi đang dần thoát ra khỏi thế gọng kìm và bước vào giai đoạn sản xuất mới. Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do tỷ lệ số nông hộ sản xuất nhỏ lẻ giảm, nhu cầu thịt lớn trong quý cuối năm tăng cao và ổn định, dự báo giá thịt lợn hơi trong nước tiếp tục đà tăng nhẹ. Điều này giúp biên lợi nhuận ngành chăn nuôi sẽ có cải thiện trong giai đoạn tới.

“Báo cáo của USDA vừa mới công bố ngày hôm qua là thông tin quan trọng cho thấy triển vọng phục hồi tích cực của ngành sản xuất chăn nuôi. Điều này cũng giúp ích phần nào cho các doanh nghiệp sản xuất thịt đang “chần chừ” trong việc đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất và chiến lược mua hàng trong thời gian tới. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp có thể cân nhắc đầu tư ngay lúc này để tận dụng mức giá nguyên liệu tốt. Và tất nhiên, song song với đó là tuân thủ các biện pháp kỹ thuật nghiêm ngặt trong nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa dịch tả lợn Châu Phi quay lại”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

Ngành chăn nuôi lợn đang phục hồi ngày càng rõ nét

Sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi khiến thị trường bán tháo, ngành chăn nuôi nước ta đã có những tín hiệu tích cực. Kể từ cuối quý I, giá lợn hơi đã duy trì đà tăng trở lại do thị trường đã thoát ra khỏi tình trạng dư cung và nhờ một số yếu tố như đã phân tích.

Theo ghi nhận của MXV, tính đến ngày 13/9, giá thịt lợn hơi tại miền bắc nước ta đang giao dịch trong khoảng 58.000 – 59.000 đồng/kg. Vùng giá hiện tại mặc dù đã giảm nhẹ so với vùng đỉnh hồi tháng 7 nhưng vẫn đang giúp các hộ chăn nuôi có lãi.

Chú thích ảnh
Giá lợn hơi của nước ta từ đầu năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, tính đến cuối tháng 8, tổng số lượng lợn của Việt Nam tăng khoảng 3,3% so với cùng kì năm ngoái. Với con số này, Việt Nam đã vươn lên là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu lợn và đứng thứ 6 về sản lượng thịt.

Không chỉ tích cực về nguồn cung, xuất khẩu thịt lợn của nước ta cũng có những chuyển biến tốt. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu khoảng 6.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh), thu về 35 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thịt lợn đi Hồng Kông, Lào, Malaysia, Papua New Guinea…

Giá thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt, giá bán sản phẩm thịt tốt, nhu cầu ổn định và khả năng được được giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng khô đậu tương sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp lên kế hoạch tái đàn, phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nông dân linh hoạt ứng phó tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng
Nông dân linh hoạt ứng phó tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giá thức ăn chăn nuôi đã tiếp tục tăng thêm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá thành phẩm lại đang giảm sâu. Đứng trước nguy cơ thua lỗ và đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi ở Lào Cai đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất và linh hoạt sử dụng nguyên liệu hữu cơ sẵn có để đối phó với tình trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN