Giá năng lượng tăng vọt, giá cà phê neo ở đỉnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực mua áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu trong tuần qua (22 - 28/1).

Chốt tuần, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng ngập sắc xanh kéo chỉ số MXV-Index tăng 2,71% lên 2.156 điểm. Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở ở mức gần 4.900 tỷ đồng mỗi ngày.

Chú thích ảnh

Giá dầu đạt đỉnh trong hai tháng, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 7%

Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch 22 - 28/1, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đều tăng giá mạnh. Trong đó, giá dầu WTI tăng 6,5% lên 78 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong hai tháng qua. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 83,55 USD/thùng, cao hơn 6,35% so với tuần trước đó. Nỗi lo gián đoạn nguồn cung vì căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy giá dầu trong tuần. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng của Mỹ, cũng mở ra niềm tin tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong tương lai.

Chú thích ảnh

Trong tuần qua, phiến quân Houthi ở Yemen đã tăng cường các cuộc tấn công vào các tàu đi qua Biển Đỏ bao gồm một vụ tấn công gây cháy tàu chở nhiên liệu Marlin Luanda, công ty thương mại Trafigura là đại diện. Tàu Free Spirit, do Vitol thuê để chở dầu thô, đã quay đầu trước khi đến Vịnh Aden, ngay sau vụ tấn công. Căng thẳng leo thang và ảnh hưởng trực tiếp tới tàu vận chuyển nhiên liệu, đã gây bất ngờ cho thị trường và đẩy giá dầu lên cao ngay trong phiên cuối tuần.

Trước đó, đà tăng của giá dầu phần lớn do sụt giảm nguồn cung cục bộ cùng với tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Thời tiết lạnh khắc nghiệt trên khắp nước Mỹ hạn chế sản lượng dầu thô ở North Dakota, cũng như cản trở hoạt động sản xuất ở các bang khác. Cơ quan quản lý đường ống của North Dakota cho biết hơn 20% sản lượng tại bang sản xuất dầu lớn thứ ba đã bị ảnh hưởng.

Đây cũng chính là nguyên nhân kéo tổng sản lượng của Mỹ trong tuần qua giảm sâu, đẩy giá dầu tăng mạnh. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của quốc gia này đã sụt giảm 1 triệu thùng/ngày xuống 12,3 triệu thùng/ngày chỉ trong một tuần. Ngoài ra, tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 bất ngờ giảm mạnh 9,2 triệu thùng, nhiều hơn mức giảm được công bố 6,6 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API).

Cũng đóng vai trò quan trọng củng cố lực mua dầu thô trong tuần qua, báo cáo sơ bộ lần 1 của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy GDP quý IV/2023 tăng 3,3% so với quý trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2% của các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực từ môi trường lãi suất cao, củng cố kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kỳ vọng này sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu, là động lực mạnh mẽ hỗ trợ giá dầu tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung thiếu ổn định.

Ở một diễn biến khác, khí tự nhiên tăng vọt hơn 7% trong tuần qua khi Ba Lan và các nước vùng Baltic đang kêu gọi cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong gói trừng phạt thứ 13 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ hôm thứ Sáu (26/1) đã tạm dừng phê duyệt đơn đăng ký từ các dự án mới để xuất khẩu LNG. Động thái được các nhà hoạt động khí hậu ủng hộ vì có thể trì hoãn các quyết định về dự án mới cho đến sau cuộc bầu cử cuối năm nay.

Thị trường cà phê sôi động trước căng thẳng Biển Đỏ và tồn kho về đáy

Kết thúc tuần giao dịch 22-28/1, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá Robusta tăng 4,51%, mức cao nhất trong 16 năm qua. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng khi căng thẳng trên Biển Đỏ kéo dài và tồn kho quay về mức thấp kỷ lục.

Chú thích ảnh

Xung đột Biển Đỏ kéo dài khiến giá cước vận chuyển tăng cao và thời gian chờ tàu cập bến tăng lên đáng kể khi phải thay đổi lộ trình. Điều này có thể khiến nông dân Việt Nam tiếp tục ghim hàng chờ giá cao, từ đó tạo nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường.

Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tính đến hết ngày 25/1 ở mức 30.080 tấn, quay về mức thấp nhất kể từ 2014.

Giá Arabica cũng tăng mạnh 4,7% so với tham chiếu nhờ hỗ trợ từ giá Robusta và tồn kho đạt chuẩn tiếp tục suy yếu.

Trong tuần kết thúc ngày 28/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm thêm 3.902 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đã chứng nhận còn 249.206 bao. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường thời điểm hiện tại.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (29/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ điều chỉnh tăng khoảng 400 - 500 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 76.500 - 77.400 đồng/kg.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 tăng nhẹ 0,85% trong tuần qua khi thị trường dồn sự chú ý về triển vọng vụ tới tại Brazil. Vào đầu tuần, rủi ro nắng nóng hình thành tại khu vực Tây Nam Brazil và có nguy cơ lan ra các vùng trồng mía đường chính. Điều này khiến thị trường lo ngại về nguồn cung mía đường vụ tới bắt đầu từ tháng Tư.

Cuối tuần qua, Tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết trong nửa đầu tháng một, tổng sản lượng mía nghiền ở Trung Nam Brazil đạt 1,11 triệu tấn, tăng 152,3% so với một năm trước. Nguyên liệu đầu vào lớn kéo theo sản lượng đường đạt 48.000 tấn trong giai đoạn này, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đường tích cực phần nào trấn an tâm lý lo ngại về nguồn cung trên thị trường.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Hàng hoá, nhu yếu phẩm đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
Hàng hoá, nhu yếu phẩm đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa

Từ 3-20/1/2024, hàng trăm tấn hàng hoá, nhu yếu phẩm đã được vận chuyển an toàn lên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, đảm bảo nhu yếu phẩm, đặc biệt là nguồn lương thực, thực phẩm cho quân và dân đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN