Gia Lai dự trữ gần 21.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng Tết (tháng 12/2022 và tháng 1/2023) trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 21.000 tỷ đồng; trong đó, mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2023 tăng khoảng 20%, ước gần 11.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh dự trữ đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Chú thích ảnh
Hàng hóa đầy đủ, phong phú phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân tại Siêu thị Co.opmart thành phố Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, thị trường kinh doanh sôi động nhất trong năm. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp, siêu thị, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai tất bật dự trữ nguồn hàng hoá phục vụ Tết. Ghi nhận tại Siêu thị Co.opmart thành phố Pleiku, lượng hàng hóa đang rất dồi dào. Trước đó, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng, chủ động nguồn cung hàng hoá và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Giám đốc Siêu thị Co.opmart thành phố Pleiku Bùi Quốc Bình chia sẻ, để đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho dịp Tết năm nay, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá hơn 100 tỷ đồng. Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây sức mua tại siêu thị bắt đầu tăng nhẹ so với trước tháng 12/2022 nhưng vẫn ở mức thấp. Chủ yếu người tiêu dùng tập trung mua sắm các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày.

Riêng một số mặt hàng phục vụ Tết, dự kiến đến cận Tết người tiêu dùng mới bắt đầu mua sắm mạnh. Hiện các mặt hàng bánh-mứt tết, rượu, bia, nước ngọt, hàng may mặc… siêu thị đã tập kết đầy đủ với số lượng từ 70%-80%. Đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị chú trọng các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt... để phục vụ bà con.

Bên cạnh những siêu thị lớn, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã nhập hàng Tết về bán ngay từ tháng 11/2022, chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Bà Phan Thị Ánh Nhung, Chủ cửa hàng Hồng Nhung tại thành phố Pleiku cho biết, thời điểm này, tình hình mua sắm Tết đã bắt đầu nhộn nhịp hơn, nhưng sức mua vẫn ở mức thấp bởi năm nay kinh tế khá khó khăn. Do vậy, cửa hàng chỉ nhập một ít hàng bán trong thời gian ngắn, hiện tại ở địa bàn cũng đã có các nhà phân phối hàng hoá nên hết đến đâu nhập về đến đó, chứ không “ôm” hàng như mọi năm.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan theo dõi cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh để có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến.

“Dự kiến sức mua của người dân dịp Tết sẽ tăng khoảng 20% so với các tháng bình thường. Do vậy tỉnh Gia Lai đã dự trữ 20.800 tỷ đồng hàng hoá phục vụ Tết năm nay. Ngoài ra, trong đợt cao điểm giáp Tết, Sở Công Thương đã triển khai kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân và đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, hộ kinh doanh lên kế hoạch bảo đảm đầy đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm)...” - Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết.

Không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ.

Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến thị trường; có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn hàng, mở rộng mạng lưới kinh doanh, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý và ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. 

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Hà Nam: Đảm bảo cung - cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão
Hà Nam: Đảm bảo cung - cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Tại tỉnh Hà Nam, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng khoảng 15% so với các tháng khác trong năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN