Trong 6 ngày giao dịch gần nhất, chỉ số này đã sụt giảm đến 5 ngày, cho thấy xu hướng suy yếu của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.000 tỷ đồng, cao nhất trong gần 1 tuần qua.
Giá dầu giằng co, chốt ngày suy yếu nhẹ
Giá dầu biến động tương đối giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/08, trước khi kết thúc với mức giảm nhẹ so. Lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc đã gây áp lực cho giá dầu, nhưng rủi ro thâm hụt vẫn khiến giá neo ở mức cao so với trung bình năm nay. Trong khi đó, một số tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung trong bối cảnh rủi ro thâm hụt tiềm ẩn, đã góp phần hạ nhiệt giá dầu trong phiên. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 0,82% xuống 82,51 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 86,21 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu thô tại Forcados thuộc Nigeria, quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã được nối lại vào cuối tuần qua. Trước đó, kế hoạch vận chuyển và xuất khẩu khoảng 220.000 thùng dầu thô loại ngọt mỗi ngày của Nigeria đã bị ảnh hưởng vào hồi đầu tháng 7, khi dòng chảy xuất khẩu của quốc gia Tây Phi này bị đình chỉ do nguy cơ rò rỉ đối với đường ống vận chuyển.
Tại Iran, xuất khẩu dầu thô đã vượt quá mức dự kiến trong ngân sách nhà nước cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 ở mức hơn 1,4 triệu thùng/ngày. Trước đó, nguồn cung từ Iran bị hạn chế khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh cấm vận dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, căng thẳng đã giảm bớt dưới thời Tổng thống Joe Biden, và dòng chảy dầu của Iran trở lại cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Javad Owji, cho biết sản lượng dầu của Iran sẽ tăng 110.000 thùng/ngày lên mức 3,3 triệu thùng/ngày vào 22/8, theo một báo cáo của Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Nhà nước đưa tin vào cuối tuần qua.
Giá cà phê Arabica sụt giảm về mức thấp nhất từ đầu năm
Tâm điểm chú ý nhóm nguyên liệu công nghiệp hướng đến mức giảm rất mạnh 4,25% của cà phê Arabica, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong vòng 6 tháng trở lại đây. Như vậy, Arabica đã rơi về vùng giá thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay, sau 5 phiên liên tiếp suy yếu. MXV cho biết, xuất khẩu cà phê được đẩy mạnh tại Brazil giúp nguồn cung toàn cầu nới lỏng là nguyên nhân chính dẫn đến đà sụt giảm của Arabica.
Trong 11 ngày đầu tháng 08, Brazil đã xuất khẩu hơn 1,19 triệu bao cà phê loại 60kg, tăng 26% so với mức 946.453 bao trong cùng kỳ tháng trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong đó, có đến 866.254 bao cà phê Arabica, cao hơn so với mức 687.910 của 11 ngày đầu tháng 7.
Đồng thời, tỷ giá USD/Brazil tăng 1,16% trong phiên hôm qua cũng góp phần thúc đẩy nông dân Brazil gia tăng nhu cầu bán cà phê vụ mới, gia tăng sức ép lên giá.
Dưới sức ép từ mức giảm mạnh của giá Arabica, giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm gần 2% trong phiên hôm qua. Brazil tích cực đẩy mạnh xuất khẩu Robusta để tranh thủ mức giá cao khi nguồn cung đang sẵn có phần nào giảm bớt lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường.
CECAFE cũng cho biết, Brazil đã vận chuyển 247.954 bao cà phê Robusta loại 60kg trong 11 ngày đầu tháng 8, gấp 2 lần con số ghi nhận trong cùng kỳ tháng trước.
Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ giảm mạnh đến 1.600 đồng/kg, đẩy giá thu mua trong nước về mức 65.000 - 65.800 đồng/kg, thấp nhất trong gần 2 tháng trở lại đây. Như vậy, giá cà phê trong nước cũng đã trải qua 5 ngày điều chỉnh giảm liên tiếp.