Giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 62 xu Mỹ, hay 1,1%, lên 56,85 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York phiên cuối tuần và khép lại tuần qua với mức tăng 8,9% theo Dow Jones Market Data. Đây là mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 21/1/2020.
Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 50 xu Mỹ, hay gần 0,9%, lên 59,34 USD/thùng tại ICE Futures Europe, cao nhất kể từ ngày 29/1/2020 và tăng 7,8% trong cả tuần. Giá dầu này tăng phiên thứ sáu liên tiếp, đợt tăng giá dài nhất sau đợt tăng bảy phiên kết thúc vào ngày 5/6/2020.
Giá dầu tăng 2% trong phiên giao dịch 1/2 khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và nhu cầu nhiên liệu tăng trong mùa Đông bởi một trong những trận bão tuyết tồi tệ nhất tấn công vùng Đông Bắc nước Mỹ trong nhiều năm. Kết thúc phiên này giá dầu Brent tăng 1,31 USD (2,4%) lên 56,35 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,35 USD (2,6%) lên 53,55 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch 2/2, giá dầu cũng tăng 2% chạm mức cao nhất trong 12 tháng sau thống kê cho thấy các nhà sản xuất lớn đang kiểm soát sản lượng gần đúng với cam kết. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,11 USD (2%) lên 57,46 USD/thùng, ghi dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp, sau khi có thời điểm tăng lên 58,05 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Cùng đà tăng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,21 USD (2,3%) lên 54,76 USD/thùng, sau khi "vọt" lên 55,26 USD/thùng, mức cao nhất trong một năm.
Giá dầu tăng trong phiên 3/2, sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước đó. Giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 93 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 55,69 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 1 USD, lên 58,46 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao trong phiên 4/2, nhờ các dấu hiệu về việc thắt chặt nguồn cung năng lượng. Giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 54 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 56,23 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 38 xu Mỹ lên 58,84 USD/thùng.
Nhà phân tích về hàng hóa tại Commerzbank, Eugen Weinberg, cho rằng bên cạnh các yếu tố có lợi như nhu cầu tăng, thị trường chứng khoán đi lên và sự lạc quan về nền kinh tế, thị trường dầu cũng đang thắt chặt hơn.
Giám đốc phụ trách phân tích và nghiên cứu toàn cầu của Schneider Electric, Robbie Fraser, nhận định giá dầu Brent đang thăm dò ngưỡng 60 USD/thùng và nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên giá dầu thô vượt mức này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tác động đáng kể đến giá dầu. Diễn biến này xuất phát từ đà phục hồi kể từ cuối năm ngoái, chủ yếu nhờ sự lạc quan của thị trường và việc thế giới bắt đầu triển khai các chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong khi có những trở ngại trong ngắn hạn, sự lạc quan dài hạn vẫn tiếp tục, là yếu tố hỗ trợ sự ổn định của giá dầu.
Tuy nhiên, ông Weinberg cho rằng sự lạc quan về nhu cầu, với các nước sản xuất lớn hy vọng nhu cầu sẽ quay trở lại mức kỷ lục trong năm 2019 ngay vào đầu năm tới, là tham vọng và nhận định giá sẽ điều chỉnh trong những tháng tới.
Hiện giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ từ nhận định rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng, khi kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau những tác động của đại dịch.
OPEC+ không thay đổi các cam kết cắt giảm sản lượng tại cuộc họp hàng tháng của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng vào tuần trước và lạc quan về sự phục hồi trong năm 2021.