Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên 3-4/5 nhờ số liệu tích cực của kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ cho thấy nhu cầu nhiên liệu phục hồi mạnh mẽ tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/4. Dự trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng vào cùng giai đoạn.
"Vàng đen" tiếp tục giữ giá trong phiên 5/5 sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 8 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức giảm dự đoán 2,3 triệu thùng. Giá dầu được hỗ trợ nhờ triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng lên khi bang New York, New Jersey và Connecticut ở Mỹ tìm cách giảm bớt các hạn chế phòng dịch. Việc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch mở cửa cho du khách nước ngoài đã được tiêm chủng cũng tạo niềm tin cho các thị trường.
Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên 6/5, để tuột mất đà tăng ở đầu phiên do áp lực từ số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Ấn Độ và một số khu vực khác. Mặc dù vậy, biên độ giảm của giá dầu được thu hẹp nhờ sự hỗ trợ của số liệu dự trữ dầu thô Mỹ.
Đến phiên cuối tuần, giá dầu lại đi lên nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư đối với nhu cầu dầu mạnh trong nửa sau của năm 2021. Tâm lý tích cực thắng thế đã áp đảo các mối lo ngại ngay cả vào thời điểm khủng hoảng như tình hình gần đây ở Ấn Độ.
Khép lại phiên 7/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2021 tăng 19 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 68,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2021 cũng tiến thêm 19 xu Mỹ, hay 0,4%, và đóng phiên ở mức 64,9 USD/thùng.
So với tuần trước, giá dầu Brent tăng 2,3% còn dầu WTI tăng 2,1%.
Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định rằng việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở Mỹ và châu Âu, cùng với sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu là những lực đẩy giúp tăng giá "vàng đen". Ngoài ra, báo cáo mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 266.000 việc làm trong tháng 4/2021, con số thấp hơn nhiều so với mức 1 triệu việc làm mà giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng (theo khảo sát của The Wall Street Journal). Số liệu này đã khiến chỉ số đồng USD đã giảm hơn 1% trong tuần qua, góp phần tiếp sức cho đà tăng giá dầu.
Ngay cả khi diễn biến của đại dịch COVID-19 đã trầm trọng hơn tại một số khu vực, giá dầu mỏ có xu hướng đi lên do lượng người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại các thị trường phát triển tăng cao. Theo báo cáo, các dữ liệu gần đây cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa số ca lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới. Điều này thể hiện ở việc mức tăng của giá dầu vẫn có phần hạn chế, khi giá dầu Brent không thể vượt ngưỡng kháng cự 70 USD/thùng.
Tình hình dịch COVID-19 tại "tâm dịch" Ấn Độ ngày 8/5 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 4.187 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên 238.270 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 401.078 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên gần 21,9 triệu ca. Đây cũng là lần thứ tư quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 400.000 ca/ngày.
Giám đốc tài chính của Velandera Energy, ông Manish Raj nhận xét, nhà đầu tư nhận thức được rằng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ cùng lúc với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) tăng sản lượng. Bắt đầu từ tháng Năm, thêm 600.000 thùng dầu được bổ sung vào thị trường mỗi ngày, và nguồn cung "vàng đen" sẽ tiếp tục tăng lên.
Giá dầu Brent đã tăng gần 30% trong năm nay, phục hồi từ mức thấp kỷ lục của năm ngoái nhờ OPEC+ cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, OPEC+ đã quyết định thực hiện kế hoạch tăng nhẹ nguồn cung dầu từ ngày 1/5 và sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng Tư.