Ngoài ra, đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất trong cuộc họp tiếp theo để kích thích tăng trưởng của quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới và lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm cũng đã hỗ trợ thị trường năng lượng.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,63 USD (4,3%) lên 64,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,89 USD (5,4%) lên 56,65 USD/thùng. Giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất của năm 2019 là 75 USD/thùng trong tháng Tư.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 20/6 thông báo đã bắn hạ một máy báy không người lái của Mỹ khi máy bay này di chuyển vào không phận của Iran gần khu vực Kouhmobarak ở miền Nam Iran. Chiều cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận thông tin một máy bay do thám không người lái của nước này bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn hạ, song phủ nhận thông tin cho rằng chiếc máy bay này đã đi qua không phận Iran.
Lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước đã gia tăng sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các sự cố xảy ra với hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, một điểm trung chuyển dầu quan trọng. Khu vực Trung Đông chiếm hơn 20% sản lượng dầu thế giới.
Chuyên gia phân tích Olivier Jakob thuộc Petromatrix nhận định triển vọng về một đợt cắt giảm lãi suất có thể là một yếu tố "thử thách" đối với “vàng đen” nếu căng thẳng Mỹ-Iran không gia tăng.
Các nước sản xuất dầu vùng Vịnh trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ duy trì sản lượng dầu tháng Bảy trong mục tiêu của OPEC bất chấp thỏa thuận cắt giảm nguồn cung trên toàn cầu hiện nay sắp hết hạn vào cuối tháng Sáu, một dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu vùng Vịnh không sẵn sàng tăng nguồn cung.
OPEC và các nước đồng minh, trong đó có Nga, dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm tổng sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Liên minh này, còn gọi là OPEC+ đã nhất trí sẽ nhóm họp vào ngày 1-2/7 tới.