Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,96 USD, hay 2,4%, xuống 80,77 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 31/3, tức trước khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD, hay 2,2%, xuống 77,07 USD/thùng, cũng là mức đóng phiên thấp nhất trong tháng này.
Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất chín tháng qua trong tháng Tư, qua đó làm gia tăng những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế, sau khi ngân hàng First Republic cho biết, lượng tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm hơn 100 tỷ USD, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng.
Bên cạnh đó, phiên này, đồng USD còn tăng giá nhờ những lo ngại ngày càng sâu sắc về tình hình lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế thế giới. Đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực lên nhu cầu dầu, vì nó khiến vàng đen" trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Giới đầu tư vẫn đang thận trọng với khả năng các đợt nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng tại Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu. Cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được dự đoán sẽ nâng lãi suất tại các cuộc họp tới.
Các nhà giao dịch dầu còn lo ngại rằng tỷ suất lợi nhuận thấp từ hoạt động lọc dầu có thể khiến các công ty lọc dầu hạn chế mua dầu.
Trước đó trong phiên này, giá dầu có thời điểm tăng lên nhờ tâm lý lạc quan rằng hoạt động đi lại trong dịp lễ tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, và nhờ những đồn đoán về khả năng lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh.