Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4,5%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 6,4%.
Trong phiên đầu tuần (20/5), giá dầu WTI có lúc chạm mức 63,81 USD/thùng – mức cao nhất kể từ phiên 1/5 giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) “bóng gió” về việc duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
OPEC và các đối tác chủ chốt ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) đã nhất trí giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1/1/2019, nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường và vực dậy giá dầu. OPEC và các nước đồng minh dự kiến họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25-26/6 nhằm bàn về chính sách đối với thị trường dầu.
Sang phiên 21/5, giá dầu biến động trái chiều khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng như triển vọng của thương mại toàn cầu. Tình hình căng thẳng tại Trung Đông đang là một thách thức đối với sự ổn định của các thị trường dầu thô trên thế giới. Ngày 21/5, sau khi trình bày bản báo cáo tóm tắt trước Quốc hội, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết Chính quyền Mỹ chỉ tìm cách ngăn chặn Iran chứ không muốn khơi mào chiến tranh. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay Tehran sẽ không bao giờ lùi bước trước sức ép của Mỹ.
Trong khi đó, việc Washington gần đây nhắm vào Huawei Technologies - “đại gia” công nghệ viễn thông của Trung Quốc - đã khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “tăng nhiệt”. Trước những diễn biến trên, các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại tình hình căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Washington sẽ dẫn tới khả năng kinh tế thế giới giảm tốc và tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ, cũng như niềm tin của thị trường.
Tới phiên 22/5, giá dầu sụt giảm sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng thêm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/5. Theo báo cáo của EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ đã ở mức 476,8 triệu thùng, cao hơn khoảng 4% so với mức bình quân vào thời gian này trong 5 năm qua. Các nhà đầu tư quan ngại rằng lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng, cùng với tình trạng căng thẳng kéo dài giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn sẽ tác động tiêu cực tới niềm tin của thị trường.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch 23/5 giá “vàng đen” giảm mạnh giữa bối cảnh căng thẳng thương mại làm giảm triển vọng về nhu cầu đối với mặt hàng này. Khép phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 5,7% xuống 57,91 USD/thùng sau khi có lúc chạm 57,33 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ phiên 13/3. Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn phiên này lùi 4,6% xuống 67,76 USD/thùng.
Các chỉ dấu về “sức khỏe” kinh tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế này không mạnh như dự kiến. Công ty dữ liệu IHS Markit mới đây cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ giảm xuống 50,6 hồi hồi đầu tháng 5/2019 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009, so với mức 52,6 ghi nhận trong tháng 4/2019. Một khảo sát khác cho thấy tăng trưởng kinh doanh tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thấp hơn dự kiến trong tháng này.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu lấy lại đà tăng, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư sau khi giá mặt hàng này giảm mạnh trong phiên trước. Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 93 xu (1,4%) lên 68,69 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 72 xu (1,2%) lên 58,63 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, giá dầu vẫn đang chịu sức ép do nguồn dầu dự trữ gia tăng. Tại kho cảng Cushing, Oklahoma (Mỹ), dự trữ dầu đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Dữ liệu của OPEC cho thấy dự trữ dầu tại các nước phát triển trong tháng 3/2019 tăng 3,3 triệu thùng và cao hơn mức trung bình trong 5 năm khoảng 22,8 triệu thùng.
Bên cạnh đó, mối lo ngại về những ảnh hưởng kinh tế từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng đang “phủ mây đen” lên các thị trường toàn cầu. Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, cho rằng quyết định tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ, qua đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.