Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London đã có lúc tăng lên 84,38 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm là 81,72 USD/thùng.
Nguồn cung dầu mỏ toàn cầu thắt chặt hơn sau quyết định mới đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) nhất trí duy trì mức tăng sản lượng hiện nay ở mức 400.000 thùng/ngày.
Chuyên gia phân tích Craig Erlam của OANDA nhận định các thị trường vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tới, trong khi những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ là một trong số rất nhiều "cơn gió ngược" mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Trong phiên giao dịch ngày 11/10, các thị trường chứng khoán ở Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) đều chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Anh) - nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn năng lượng lớn, ghi nhận mức tăng trong chiều cùng ngày. Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) cũng tăng điểm sau khi mở cửa phiên sáng với những biến động trái chiều.
Trước đó, ngày 4/10, OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2021, trong đó tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022, theo đó khôi phục dần sản lượng đã cắt giảm năm 2020 để hỗ trợ giá trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19.
Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ), thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới. Cuối tháng trước, Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ (JTC) dự báo tình trạng nguồn cung thiếu 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay có thể chuyển thành dư 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Bất chấp sức ép tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu.