Toàn cảnh Diễn đàn Năng lượng quốc tế ở Algiers, Algieria ngày 27/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu Brent tăng 2,72 USD (5,9%) lên 48,69 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn hai tuần qua. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 2,38 USD (5,3%) lên 47,05 USD/thùng. Trong phiên này, đã có thời điểm giá dầu thô Mỹ vọt lên 47,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/9.
OPEC đã đạt được thỏa thuận hạn chế sản lượng ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng hiện nay của OPEC ước tính khoảng 33,24 triệu thùng/ngày.
Trước đó, phát biểu với báo giới trước thềm Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 diễn ra tại Algiers từ ngày 26-28/9, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa đã cảnh báo rằng nếu cuộc họp của OPEC thất bại, giá dầu có thể sẽ giảm sâu từ khoảng 45 USD/thùng hiện nay, xuống còn 30 USD/thùng. Trong khi đó, chuyên gia Abhishek Deshpande, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ thuộc ngân hàng Natixis (Pháp), nhận định "hiện trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang tràn ngập nguồn cung. Nếu OPEC không hành động, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống".
OPEC, hiện chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu của thế giới, và các nhà sản xuất khổng lồ khác đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu. Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 xuống dưới 30 USD/thùng đầu năm nay, trước khi phục hồi lên khoảng 45 USD/thùng hiện nay. Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, đã phản ứng trước thực trạng suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ do giá dầu sa sút bằng cách tăng sản lượng lên các mức kỷ lục, thay vì sử dụng công cụ truyền thống là cắt giảm sản lượng.