Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 5/9 lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết năm nay, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu tăng cao vào mùa đông.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia (LB Nga). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,04 USD, hay 1,2%, lên 90,04 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên chốt phiên trên mức 90 USD/thùng kể từ ngày 16/11/2022. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,14 USD, hay 1,3%, lên 86,69 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong 10 tháng qua.

Ngày 5/9, Saudi Arabia đã quyết định tiếp tục gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu thô. Biện pháp này đã được công bố vào cuối tháng Sáu sau thỏa thuận với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+. Cho đến nay, giải pháp này đã được gia hạn nhiều lần. Theo công bố của Bộ Năng lượng Saudi Arabia, nước này sẽ giảm sản lượng một triệu thùng mỗi ngày trong “ba tháng tới”, từ tháng 10 đến tháng 12.

Về phía mình, Nga cũng đang đi theo con đường tương tự. Phó Thủ tướng Alexander Novak mới đây đã tuyên bố giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Nga xuống còn 300.000 thùng mỗi ngày và “sẽ được duy trì cho đến cuối năm 2023”. Thông báo trên trang Telegram của Chính phủ Nga, ông Alexandre Novak cho biết quyết định này “nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa mà các nước OPEC+ thực hiện để duy trì sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.

Giới đầu tư đã dự đoán Saudi Arabia và Nga sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng sang tháng 10, nhưng việc hai nước này gia hạn chương trình trên thêm ba tháng là điều nằm ngoài dự đoán của thị trường. Cả Saudi Arabia và Nga cho biết sẽ đánh giá lại việc cắt giảm sản lượng hàng tháng và có thể điều chỉnh mức cắt giảm tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty Rystad Energy, nhận định các động thái này sẽ thắt chặt đáng kể thị trường dầu toàn cầu và chỉ có thể dẫn đến một kết quả là giá dầu tăng trên toàn thế giới. Với diễn biến nói trên, ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của ngân hàng UBS, ước tính thị trường dầu sẽ thiếu hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. UBS hiện dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 95 USD/thùng trước cuối năm nay.

Một yếu tố nữa hỗ trợ giá dầu trong phiên này là việc ngân hàng Goldman Sachs hạ xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới từ mức 20% dự báo trước đó xuống 15%.

Cùng với việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, triển vọng kinh tế Mỹ tránh được khả năng suy thoái đã góp phần thúc đẩy nhu cầu và nâng đỡ giá dầu trong những tháng gần đây. Cả giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 20% kể từ cuối tháng Sáu.

Thu Hà - Khánh Ly (TTXVN)
Phố Wall trượt dốc khi giá dầu chạm đỉnh của 9 tháng
Phố Wall trượt dốc khi giá dầu chạm đỉnh của 9 tháng

Chứng khoán Âu - Mỹ đồng loạt giảm điểm với diễn biến khá mờ nhạt trong phiên 5/9, khi giá dầu tăng cao và lãi suất trái phiếu kho bạc Chính phủ Mỹ tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN