Giá dầu tại châu Á phục hồi trong phiên 16/6

Giá dầu tại thị trường châu Á phục hồi trong phiên giao dịch ngày 16/6, từ mức giảm mạnh trong phiên trước đó, do nguồn cung thắt chặt và mức tiêu thụ cao điểm vào mùa Hè. Diễn biến này xảy ra sau khi Mỹ tăng lãi suất mạnh làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu nhiên liệu ít hơn.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI giao kỳ hạn tăng 96 xu Mỹ (0,8%), lên 116,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 86 xu Mỹ (0,7%), lên 119,37 USD/thùng.

Giá dầu đã trượt hơn 2% chỉ qua một đêm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu đối với dầu.

Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào việc nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ vào mùa Hè cao điểm, giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế nguồn dầu xuất khẩu của Nga.

Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore, cho biết: “Nhìn chung, đây là một phiên giao dịch đầy biến động trên hầu hết các thị trường".

Tại Libya, sản lượng dầu đã sụt giảm do tình trạng bế tắc chính trị của nước này buộc các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu phải đóng cửa. Hôm 14/6, một phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Libya cho biết, sản lượng dầu của nước này giảm xuống còn 100.000-150.000 thùng/ngày, một phần nhỏ so với mức tương ứng 1,2 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm ngoái.

Ngoài ra, sự lạc quan rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi khi nước này nới lỏng các hạn chế COVID-19 đã hỗ trợ giá dầu.

Baden Moore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cho biết: “Tâm lý về việc nhu cầu dầu của Trung Quốc phục hồi và nhu cầu dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tăng theo mùa vào tháng Tám tới khiến xu hướng tăng giá dầu có thể kéo dài tới quý III/2022”.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu thô của Mỹ, vốn bị đình trệ trong vài tháng qua, đã tăng 100.000 thùng/ngày vào tuần trước, lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng tăng trong khi lượng xăng tồn kho giảm trong tuần tính đến hết ngày 10/6.

Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)
Đâu là động lực để bitcoin 'lội ngược dòng'?
Đâu là động lực để bitcoin 'lội ngược dòng'?

Trong lịch sử giao dịch như một đồng tiền kỹ thuật số, bitcoin đã cho thấy mức độ biến động mạnh. Giá đồng tiền mã hoá này liên tục tăng, giảm chỉ trong vài tháng, vài tuần hay thậm chí là vài ngày. Diễn biến của bitcoin trong 12 tháng qua là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN