Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm

Ngày 9/4, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm và đánh dấu chuỗi giảm giá kéo dài 5 ngày, đợt giảm tồi tệ nhất trong 3 năm qua.

Chú thích ảnh
Cơ sở lọc dầu Sepehr và Jafir ở Đông Nam Iran. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Giá dầu giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, kéo theo lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và khiến hàng loạt hàng hóa khác, đặc biệt là kim loại cơ bản, sụt giảm mạnh.

Tính đến cuối ngày 9/4, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 58,16 USD/thùng, dầu Brent Biển Bắc đứng ở 61,40 USD/thùng. So với ngày 2/4, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới áp lên hàng hóa nhập khẩu, cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 20% giá trị, đánh dấu mức giảm sâu nhất trong 5 ngày kể từ tháng 3/2022.

Nguyên nhân chính được cho là do lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nếu xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung, trong khi nguồn cung dầu toàn cầu lại có xu hướng gia tăng. Bà Ye Lin, Phó Chủ tịch Thị trường Năng lượng tại Rystad Energy, cho rằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ từ Trung Quốc đang làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, qua đó làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Bà Ye Lin cho rằng nếu căng thẳng kéo dài, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn mức dự báo là khoảng 100.000 thùng/ngày, cho dù đã tính tới tác động từ các gói kích thích tiêu dùng nội địa.

Không chỉ giá dầu, giá các kim loại cơ bản tại Trung Quốc cũng lao dốc mạnh. Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá đồng tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Đại Liên cũng mất tới 3% giá trị. Tại thị trường quốc tế, giá đồng chuẩn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm thêm 1%, nối dài chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp và là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới - đã đáp trả các chính sách thuế quan của Mỹ bằng việc áp mức thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 10/4, bằng đúng mức thuế đối ứng được Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục chịu áp lực, giảm điểm theo đà của Phố Wall, sau khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực và Mỹ áp tổng mức thuế lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc. Giới đầu tư tài chính lo ngại sâu sắc trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi phần lớn thị trường rơi vào xu hướng tiêu cực, một số tài sản trú ẩn đã bứt phá mạnh. Giá vàng tăng gần 2% do đồng USD suy yếu. Giá đậu tương tại Chicago cũng ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp, phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng, nhờ lực đẩy từ giá đậu tương tại Brazil và đồng USD yếu đi.

Tổng thể, diễn biến trên các thị trường năng lượng, kim loại và nông sản toàn cầu cho thấy mức độ ảnh hưởng sâu rộng của các chính sách thuế quan của Mỹ cũng như nguy cơ về cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.  Không chỉ tác động trực tiếp đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc chiến thuế quan đang gây xáo trộn mạnh mẽ các thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu, đẩy thế giới đứng trước vòng xoáy suy thoái nghiêm trọng.

Lan Phương (TTXVN)
Thuế quan Mỹ có hiệu lực, giá dầu rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021
Thuế quan Mỹ có hiệu lực, giá dầu rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021

Phiên 9/4, giá dầu đã giảm ngày thứ năm liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, do lo ngại về nhu cầu sụt giảm giữa lúc cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – và triển vọng nguồn cung gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN