Tuy nhiên, các số liệu kinh tế không mấy lạc quan của nước này đã hạn chế phần nào đà tăng của “vàng đen”.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 39 xu Mỹ (tương đương 0,6%) lên 73,59 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 39 xu Mỹ (0,6%) lên 68,66 USD/thùng.
Yếu tố nâng đỡ cho giá dầu trong phiên 15/6 là số liệu thống kê cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng Năm đã tăng 15,4% so với cùng kỳ một năm trước đó, đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.
Điều này là nhờ các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đưa các đơn vị hoạt động trở lại sau quá trình bảo trì theo kế hoạch, trong khi các nhà máy độc lập xử lý lượng dầu nhập khẩu giá rẻ.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế yếu đi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên 15/6 do tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của nước này trong tháng trước thấp hơn dự báo.
Bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova, cho biết quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Trung Quốc rất gập ghềnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên giảm sút đã hoàn toàn “cuốn trôi” mọi dự báo về khả năng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ đẩy nhu cầu dầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục.
Việc Mỹ tăng lãi suất cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm 1,5% vào ngày 14/6, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo về khả năng tiếp tục tăng lãi trong năm nay. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng môi trường lãi suất cao hơn sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm nhu cầu về dầu mỏ.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, cho biết triển vọng lãi suất cao trong dài hạn có thể tạo thêm nhiều áp lực đối với tăng trưởng hơn nữa, đồng thời khiến nhu cầu dầu mỏ bị hạn chế. Theo chuyên gia của IG, chừng nào những người tham gia thị trường tin chưa chắc rằng triển vọng kinh tế đã chạm đáy thì chừng đó giá dầu vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.