Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 11 xu Mỹ, hay 0,1%, lên 93,25 USD/thùng vào lúc 14 giờ 15 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 19 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 85,68 USD/thùng, sau khi giảm 3,5%.
Trong khi các nhà đầu tư hoan nghênh thông báo của Trung Quốc trong tuần trước về việc giảm bớt tác động của chính sách "Zero COVID" để thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, các nhà phân tích cho rằng các biện pháp phong tỏa và số ca mắc gia tăng tiếp tục là rủi ro lớn.
Số ca mắc COVID tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong ngày 15/11, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, ngay cả khi nhiều thành phố đã hạn chế việc xét nghiệm thường xuyên.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp chậm lại, doanh số bán lẻ giảm và thị trường bất động sản tiếp tục giảm sút trong tháng 10, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất động lực, do các hạn chế nhằm kiểm soát dịch kéo dài và sự sa sút của lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2022 lần thứ năm kể từ tháng Tư, do những thách thức kinh tế gia tăng, trong đó có lạm phát cao và lãi suất tăng.
OPEC hạ dự báo sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 13/11 nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn dự báo tháng trước, do các khảo sát nhà quản lý mua hàng xấu đi trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung thắt chặt trong mùa Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu mỏ của Nga dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/12. Lệnh cấm được thực hiện sau khi EU dừng nhập khẩu vào tháng 2.
Theo một khảo sát của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ được cho là sẽ giảm khoảng 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 11/11.