Khoảng 13 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 26 xu (0,35%) xuống 73,91 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 20 xu (0,29%) xuống 69,34 USD/thùng.
Tuần trước, hai hợp đồng chủ chốt này đã giảm tuần thứ tư liên tiếp, chuỗi tuần sụt giảm dài nhất kể từ tháng 9/2022, do những lo ngại Mỹ có thể rơi vào suy thoái vì nguy cơ về một vụ vỡ nợ lịch sử trong hai tuần đầu tiên của tháng 6/2023.
Các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn như đồng USD, giúp củng cố đồng tiền này và khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, giá dầu vẫn chịu sức ép do triển vọng nhu cầu ảm đạm trong bối cảnh tiến trình mở cửa nền kinh tế trở lại của Trung Quốc có vẻ bấp bênh.
Bà Tina cho hay các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao một loạt dữ liệu kinh tế của Trung Quốc như sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ trong tuần tới để tìm dấu hiệu cải thiện nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể thắt chặt vào nửa cuối năm trong bối cảnh OPEC+ đang thực hiện cắt giảm sản lượng, làm giảm nguồn cung dầu thô hiện có.
OPEC hồi tháng 4/2023 thông báo một số thành viên sẽ cắt giảm sản lượng thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, nâng tổng khối lượng cắt giảm lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toàn của hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, Bộ trưởng dầu mỏ Hayan Abdel-Ghani cho biết, Iraq dự kiến OPEC+ sẽ không cắt giảm thêm sản lượng dầu tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023 tới.
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho hay Mỹ có thể bắt đầu mua lại dầu cho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sau khi hoàn thành giao dịch bán bắt buộc trong tháng 6/2023.
Thông báo này được đưa ra sau báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm hai giàn xuống còn 586 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi số lượng giàn khoan khí đốt giảm 16 giàn xuống 141 giàn.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể công bố các biện pháp mới tại các cuộc họp ngày 19 - 21/5 nhắm mục tiêu né các lệnh trừng phạt liên quan đến các nước thứ ba.