Vào lúc 7 giờ 48 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 34 xu Mỹ, hay 0,4% xuống 90,55 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 41 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 87,28 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên cuối tuần trước, cả hai loại dầu trên đều tăng gần 6%, mức tăng phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ tháng Tư, khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng xung đột tại Trung Đông sẽ lan rộng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 7,5%, còn giá dầu WTI tăng 5,9%.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch công ty NS Trading trực thuộc công ty Nissan Securities, nhận định tác động mà xung đột tại Israel có thể gây ra với các nước sản xuất dầu đã được phản ánh phần nào trong giá dầu, nhưng nếu căng thẳng leo thang hơn nữa và tác động đến nguồn cung dầu, giá “vàng đen” có thể dễ dàng vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Đến nay, xung đột ở Trung Đông hầu như không tác động nhiều đến nguồn cung dầu khí toàn cầu, và Israel cũng không phải là nước sản xuất dầu lớn. Nhưng những lo ngại về khả năng lan rộng, trong đó có sự liên quan của Iran, đã khiến xung đột này là một trong những nguy cơ địa chính trị lớn nhất với thị trường dầu kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào năm ngoái.
Thị trường đang đánh giá xem sự lan rộng xung đột này sẽ tác động như thế nào đến nguồn cung từ khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới, trong đó có Saudi Arabia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).