Giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2017, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định ở mức tương đối cao và có xu hướng tăng giá ở một số nơi.

Giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định ở mức tương đối cao và có xu hướng tăng giá ở một số nơi. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Hiện, giá cá tra đang dao động ở mức 22.000 - 25.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cá và phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, nguồn cung cá vào size ở mức thấp.

Cụ thể, tại Vĩnh Long, giá trung bình cá tra thịt trắng trong size hiện đang ở mức 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước; tại Đồng Tháp cá tra đang có giá từ 22.500 - 23.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước; còn tại An Giang giá cá tra hiện ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg. Đáng chú ý, giá cá tra giống có xu hướng tăng giá do nhu cầu thả nuôi tăng cao.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng, nên người nuôi dần ổn định sản xuất, diện tích nuôi hiện có đạt 4.746 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước vào vụ thu hoạch chính, sản lượng cá tra 8 tháng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 815.500 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Đồng Tháp là địa phương có sản lượng cá tra thu hoạch lớn nhất đạt 303.400 tấn, tăng tới 25,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong tháng 8/2017, thời tiết không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, mưa lớn bất thường, sự biến động lớn của các yếu tố môi trường (DO, nhiệt độ, độ mặn, pH,...) làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi, vì vậy tình hình dịch bệnh trên thủy sản có chiều hướng tăng so với các tháng đầu năm.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã quyết định kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu vào ngày 2/8 là sớm hơn 1 tháng so với dự kiến (1/9) theo Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ. Theo quy định thì 100% lô hàng phải được kiểm tra về hồ sơ, bao gói, nhãn mác, cuối cùng là từng thùng hàng phải đóng tem kiểm soát. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do việc phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc thông quan một lô hàng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa ghi nhận sự ách tắc nào trong xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

*Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết, đến nay tỉnh đã thu hoạch hơn 365.000 tấn cá tra thương phẩm. Với giá bình quân từ 22.000-23.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg.


Hiện tỉnh Đồng Tháp có 1.504 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, bình quân năng suất đạt 350 tấn/ha.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC.

Số liệu Sở Công Thương cho thấy, tỉnh có 20 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế hơn 467.000 tấn thành phẩm/năm, ước sản lượng cá tra chế biến 8 tháng năm 2017 đạt hơn 180.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 500 triệu USD.

Thành Trung (TTXVN)
Doanh nghiệp vẫn lạc quan khi Mỹ kiểm tra cá tra Việt Nam
Doanh nghiệp vẫn lạc quan khi Mỹ kiểm tra cá tra Việt Nam

Bắt đầu từ ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã kiểm tra tất cả các lô hàng cá tra và cá da trơn nhập nhẩu từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra e dè trước việc này và đã có không ít ý kiến nhận định rằng cá tra Việt Nam sẽ bị “triệt” đường vào Mỹ khi chương trình thanh tra cá da trơn (các loài cá thuộc bộ Siluriformes) của Mỹ được triển khai. Tuy nhiên, theo nhận định của các doan nghiệp xuất khẩu cá tra thì đây cũng là một cơ hội cho ngành cá tra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN