Cụ thể, tại thời điểm 8h50 sáng Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá so với chốt phiên chiều qua.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn định mức giá so với chốt phiên chiều qua.
Đối với giá vàng nhẫn tại các thương hiệu tiếp tục ổn định giá bán. Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu vẫn đang niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,68 - 74,98 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào lẫn bán ra so với phiên giao dịch chiều qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,70 - 74,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, các nhà phân tích cho biết, mặc dù họ có thể gặp nhiều rủi ro hơn nhưng các nhà đầu tư vẫn đang lựa chọn vàng. Trên thực tế, cả cổ phiếu và vàng đều tăng giá “cho thấy các nhà đầu tư đang phòng ngừa rủi ro cho các khoản danh mục đầu tư của họ”.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 12/6, trong khi các nhà hoạch định chính sách cho biết họ dự kiến chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm 2024.
Ông Jeffrey Christian, đối tác quản lý của CPM Group, cho biết Fed không hạ cũng không tăng lãi suất, do đó các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản ít rủi ro hơn, trong đó có vàng.
Ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập ở New York, nhận xét vàng sẽ tiếp tục biến động cùng với dữ liệu về việc làm và lạm phát.
Ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sỹ dự báo kỳ vọng giá vàng sẽ duy trì ở mức trung bình 2.365 USD/ounce trong năm 2024, với mục tiêu cuối năm đạt 2.600 USD/ounce. Trong hai năm tới, UBS dự đoán giá vàng sẽ vượt mức 2.800 USD/ounce, phản ánh triển vọng mạnh mẽ bất chấp khả năng nới lỏng lãi suất mở rộng.