Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,16 USD, hay 1,86%, xuống 61,13 USD/thùng vào lúc 13 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam).
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 1,04 USD, hay 1,95%, xuống 52,23 USD/thùng.
Trong báo cáo công bố ngày 11/6, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu và sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2019. EIA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu 160.000 thùng/ngày xuống 1,22 triệu thùng/ngày và sản lượng dầu thô của Mỹ xuống 12,32 triệu thùng/ngày, giảm 140.000 triệu thùng/ngày so với báo cáo hồi tháng 5.
Việc dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cũng gây sức ép lên thị trường. Số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ được công bố ngày 11/6 cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này tăng 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/6, lên 482,8 triệu thùng, trong khi giới phân tích nhận định sẽ giảm 481.000 thùng.
Số liệu chính thức từ EIA sẽ được công bố vào lúc 21 giờ 30 ngày 12/6 theo giờ Việt Nam.
Bên cạnh những lo ngại về việc nguồn cung tăng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm.
Với OPEC dự kiến sẽ họp vào cuối tháng 6, thị trường đang chờ xem liệu các nước sản xuất dầu lớn của thế giới có kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Các nước thành viên OPEC cùng với các nước sản xuất khác như Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay để đẩy giá dầu lên.
Goldman Sachs nhận định rằng trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô không chắc chắn và sản xuất dầu của Iran cùng với các nước khác không ổn định có thể khiến OPEC gia hạn thỏa thuận.
Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất Suhail bin Mohammed al-Mazroui ngày 11/6 cho biết, các nước thành viên OPEC đang tiến tới việc nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng.