Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tăng cường nguồn hàng gấp 3 lần cho các tỉnh miền Bắc

Song song với hoạt động cứu trợ, các hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã tăng cường dự trữ hàng hóa tại các tỉnh miền Bắc gấp ba lần so với bình thường, đồng thời duy trì hoạt động 24/24 của trung tâm phân phối để giúp ổn định nguồn hàng cho người dân sau cơn bão số 3.

Chú thích ảnh
Hàng hóa luôn đầy ắp trên quầy kệ các siêu thị tại các tỉnh miền Bắc. Ảnh: Saigon Co.op cung cấp

Trong những ngày qua, chuỗi cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực nhằm tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão. Các DN cam kết giữ nguyên giá bán, không tăng giá.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, trước khi bão Yagi đổ bộ, các siêu thị Co.opmart ở phía Bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường, tập trung vào các loại rau củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt…

Ở các khu vực chưa có điện do cơn bão gây ra, Co.opmart dùng máy phát điện dự trữ để cung ứng hàng hóa bình thường. Co.opmart linh động bán thịt heo đông lạnh, gà đông lạnh nhập khẩu thay cho thịt “nóng”, tăng vận chuyển rau củ quả từ miền Trung và Tây Nguyên đến những điểm bán cần thiết.

Chú thích ảnh
Kho điều phối hàng hóa tại các tỉnh miền Nam hoạt động hết công suất để vận chuyển hàng hóa, lương thực đến các tỉnh miền Bắc.

"Hiện nay, Saigon Co.op đã tăng cường dự trữ hàng hóa tại miền Bắc gấp ba lần so với bình thường, đồng thời duy trì hoạt động 24/24 của trung tâm phân phối tại Bắc Ninh. Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Ngoài xe chuyên dụng, Trung tâm phân phối Saigon Co.op đã linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng trên đường. Ngoài ra, các mặt hàng rau củ từ Đồng Nai, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây cũng được vận chuyển ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu, bao gồm hơn 200 tấn rau quả như rau muống, cải thảo, dưa leo, cà chua và nhiều loại trái cây khác", ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng thiết yếu được hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh vận chuyển đi các tỉnh miền Bắc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, hiện nay, tại từng siêu thị ở các tỉnh miền Bắc, nhu cầu mua sắm tăng 50% so với ngày thường. Các đơn hàng đặt trực tuyến tăng gấp 2 - 3 lần, tập trung vào nhóm thực phẩm khô như mì, bún, miến phở ăn liền, lương khô, sữa, bánh kẹo... Những đơn hàng này được nhân viên sắp xếp, nỗ lực giao trong ngày.

Đối với những khu vực đang bị giao thông chia cắt, Co.opmart trao đổi với khách hàng nhằm tìm kiếm giải pháp giao nhận thuận tiện nhất. Ngoài việc đảm bảo nguồn cung, Co.opmart còn tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi lớn cho các sản phẩm thiết yếu. Các mặt hàng được giảm giá từ 15 - 35% bao gồm mì, phở, thịt hộp, sữa, bánh kẹo cùng với chương trình mua 1 tặng 1; hoặc ưu đãi khi mua nhiều sản phẩm gia dụng như nước giặt, giấy vệ sinh và rau củ quả.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm thực phẩm tươi sống tại Lào Cai. Ảnh: siêu thị GO!, Big C cung cấp

Tương tự, hệ thống siêu thị GO!, Big C tại các tỉnh phía Nam cũng đã tăng cường 100% sản lượng cung ứng rau củ các loại so với ngày thường cho các tỉnh miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75 - 80 tấn. Tính đến ngày 11/9, Central Retail Việt Nam (chủ hệ thống siêu thị GO!, Big C) đã vận chuyển 3 chuyến hàng đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc với khoảng 150 tấn rau củ quả. 

Chú thích ảnh
Các mặt hàng rau, củ quả... tại các tỉnh miền Bắc được áp dụng giảm giá. Ảnh: Siêu thị GO!, Big C cung cấp

Hệ thống MM Mega Market cũng đang tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, bảo đảm có đủ nguồn hàng tươi sống như rau củ quả, thịt lợn… đi khắp các tỉnh, thành Bắc Bộ; đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng...

Đại diện MM Mega Market cho biết, đơn vị đã tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ, quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày (tương đương 16 tấn). Đơn vị vẫn nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá...

Chú thích ảnh
Các nhân viên tại các siêu thị bán lẻ hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu mua hàng tăng cao của người dân sau cơn bão số 3.

Trong khi đó, để đáp ứng hàng hóa cho các siêu thị, nhà phân phối, các DN sản xuất của TP Hồ Chí Minh cũng đã đẩy mạnh tăng tốc sản xuất hàng hóa. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, ngay khi nhận được thông tin bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo FFA đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực thuộc Hiệp hội để đánh giá tình hình cung ứng và tăng cường sản xuất trong tình hình miền Bắc thiếu hàng tạm thời.

Hiện các doanh nghiệp ngành thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa thực phẩm ra miền Bắc để bình ổn thị trường, không để thiếu hàng và không tăng giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp hội viên FFA cũng đang quyên góp, hỗ trợ người dân miền Bắc gặp khó khăn do bão lũ thông qua ủng hộ cá nhân, các chương trình thiện nguyện hay lời kêu gọi của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chiều 11/9, hàng hóa quốc tế hỗ trợ khắc phục bão số 3 về đến Hà Nội
Chiều 11/9, hàng hóa quốc tế hỗ trợ khắc phục bão số 3 về đến Hà Nội

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến chuyến hàng hỗ trợ sớm nhất của quốc tế gửi khắc phục hậu quả bão số 3 đến sân bay Nội Bài chiều 11/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN