Các nước vốn là đối thủ cung cấp dệt may với Việt Nam như Ấn Độ năm qua tăng trưởng âm. Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan tăng 5 - 7% nhưng giá trị không cao, khoảng hơn 1 tỷ USD. Campuchia tăng 11 - 12%.
Tăng trưởng mạnh nhờ đầu tư bài bản nhiều năm
Nhìn lại diễn biến thị trường năm qua, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, trong năm 2018, có những thời điểm nhà hoạch định chính sách theo dõi diễn biến thị trường và dự báo xuất khẩu đạt hơn 37 tỷ USD, đặc biệt ở thời điểm hết quý 3. Tuy nhiên, do yếu tố mang tính chất ảnh hưởng quyết định lớn nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho quý 4 tăng trưởng chỉ tương đương các quý khác.
"Nếu không có tác động này thì dệt may năm nay có khả năng cao đạt 37 tỷ USD", ông Hiếu nhận định.
Năm 2018 với Vinatex cũng là một năm hoàn thành tốt các chỉ tiêu về lợi nhuận, kế hoạch, doanh thu. Kim ngạch xuất khẩu tính đủ của Tập đoàn ước đạt 3,05 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu ước đạt 48.658,2 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 1.532 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.
"Kết quả của năm 2018 là một chuỗi nỗ lực, được khởi động từ năm 2015 cho đến nay. Vinatex đã kiên trì theo đuổi mục tiêu chiến lược là tăng trưởng chất lượng và bền vững. Tập đoàn chú trọng vào chất lượng đơn hàng, chất lượng khách hàng, phấn đấu giữ vị trí TOP 5 các nhà sản xuất được khách hàng ưu tiên đặt hàng", ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Để đạt được điều đó, Tập đoàn đã tập trung phát triển theo chiều sâu, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, nâng cấp, thay thế các máy móc thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được độ chính xác cao hơn, năng suất lao động tăng lên, số lượng lao động ít đi, thu nhập người lao động tăng lên. Đồng thời, Tập đoàn lựa chọn các đơn hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để giảm thiểu tối đa biến động có thể đến với doanh nghiệp khi thị trường chung gặp khó khăn.
Một loạt các dự án Vinatex đầu tư giai đoạn 2015, 2016 đến nay bắt đầu "có trái ngọt". Có dự án, theo tính toán phải đến năm 2019 mới lãi nhưng thực tế năm 2018 đã có lãi. Điều này cũng góp phần vào tăng trưởng chung của Tập đoàn cũng như cả ngành dệt may.
Bài học sau khủng hoảng ngành sợi
Bên cạnh những thuận lợi mà ngành dệt may Việt Nam có được từ các Hiệp định thương mại tự do trong năm qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây những bất lợi đáng kể cho ngành.
Ông Cao Hữu Hiếu phân tích: Nếu không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các dự án sợi năm nay sẽ thành công mỹ mãn. 9 tháng đầu năm, các nhà máy sợi của Tập đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm nhưng tới 3 tháng cuối năm thì thị trường sợi biến động. Nhiều đơn vị đã bị ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu lợi nhuận trong mấy tháng cuối, dù vẫn có lãi nhưng không như kỳ vọng ban đầu, đây là ảnh hưởng ngoài dự kiến.
Qua thống kê, nhiều doanh nghiệp sợi trong ngành dệt may hiện nay tồn cả vài chục nghìn tấn sợi, chất khắp nhà xưởng. Đó là ảnh hưởng ghê gớm của thị trường. Sợi chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Vừa rồi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đến 9% để kích thích xuất khẩu. Trung Quốc nói Việt Nam phải giảm giá sợi mới mua, giảm đến mức nhiều đơn vị bị lỗ, lỗ sâu.
Ông Cao Hữu Hiếu nhận định: "Tôi đánh giá hết quý II hy vọng thị trường ấm lại, còn bây giờ là giai đoạn cầm cự. Các nhà máy vẫn đang hoạt động 24/24h, chỉ nghỉ lễ, tết. Nếu nghỉ sẽ rất khó để tuyển được lao động".
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, mặc dù một số đối thủ có ưu thế lớn so với Việt Nam ở giá gia công rẻ hơn nhưng Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà cung cấp vì làm được các đơn hàng khó, đòi hỏi tay nghề cao, thời gian giao hàng đúng hạn.
"Qua cuộc khủng hoảng sợi vừa rồi, chúng ta thấy rằng nếu các nhà máy cứ sản xuất các sản phẩm bình thường thì khi thị trường có chuyện, đó sẽ là đơn vị bị khách hàng loại đầu tiên. Họ sẽ quan tâm đến những đơn vị có chất lượng tốt nhất, thời gian giao hàng đúng hạn nhất, giá cả hợp lý. Qua mấy tháng vừa rồi chúng tôi đi thực tế kiểm tra, câu chuyện đó là thật", ông Hiếu nói.
Năm 2019, thị trường rất khó lường. Thách thức nổi cộm là chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD. "Không thể đòi hỏi tăng trưởng mãi, phải có năm tăng trưởng thấp, thậm chí không tăng trưởng. Không phải khi nào thị trường cũng tốt. Việt Nam có những lợi thế cần giữ và phát huy. Với Vinatex, chúng tôi đặt ra mục tiêu thực hiện đến nay đã 4 - 5 năm, đó là kiên định xây dựng ngành dệt may với tiêu chí chất lượng, năng suất, thân thiện với môi trường", ông Hiếu nói.
Về đơn hàng trong năm 2019, ông Hiếu cho biết các nhà máy đặc biệt các công ty may đã có đơn hàng tương đối dài đến hết quý II, thậm chí có đơn vị đến tháng 9, 10 sang năm. Nhìn chung các đơn vị đã có đơn hàng hết quý I.