Hàng giả lộng hành
Chỉ trong 10 tháng đầu năm cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 2.000 vụ hàng giả, phạt 58 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ hàng giả lớn về số lượng và quy mô.
“Mới đây TP Hồ Chí Minh đã bắt chục tấn mỹ phẩm giả, TP Hà Nội bắt gần chục tấn thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả… Một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay được nhiều người quan tâm chính là tình trạng phân bón giả đang được công khai, thách thức dư luận. Chỉ với một cơ sở sản xuất nhỏ và điều kiện, thiết bị sản xuất tối thiểu, nhiều doanh nghiệp tại huyện Bình Chánh đang hàng ngày sản xuất, tung ra thị trường số lượng lớn phân bón giả, kém chất lượng... là một điển hình", ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, cho biết.
Theo ông Đàm Thanh Thế, cơ quan quản lý nhà nước “tuyên chiến” với phân bón giả từ nhiều năm nay song hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Đặc biệt, vào mỗi đợt họp Quốc hội nhiều đại biểu lại lên tiếng bức xúc về tình trạng này vì đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để chống phân bón giả. Nhiều sản phẩm khác bị làm giả cũng trong tình trạng tương tự.
Đại diện Công ty TNHH Bugi NGK Việt Nam cho biết, công ty đã phát hiện hơn 332 vụ hàng giả với hơn 8 triệu cái bugi tại Trung Quốc. Dự tính, 8 triệu cái bugi này có thể lưu hành ở Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 21% bugi giả đang được lưu hành.
Các doanh nghiệp phải chủ động các giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Loay hoay phòng chốngĐại diện Ban chỉ đạo 389 cho hay, càng tập trung chống hàng giả lại càng phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Bất kỳ sản phẩm nào cũng bị làm giả, sản phẩm có thương hiệu thì tỷ lệ bị làm giả càng cao hơn. Hàng giả tràn lan trên thị trường vừa thách thức cơ quan chức năng, vừa thách thức người tiêu dùng. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều băn khoăn không biết làm sao để nhận diện được những sản phẩm chất lượng, an toàn. Trong khi đó, đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi trong việc ăn cắp bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389, cho biết: "Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng Cục Sở hữu trí tuệ chưa làm hết trách nhiệm chuyên môn. Cũng vì không làm hết trách nhiệm nên thanh tra chuyên ngành gần như “chịu chết” với các sản phẩm đang cố tình vi phạm sở hữu trí tuệ".
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến cho tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm do cạnh tranh không lành mạnh nên hàng giả, hàng kém chất lượng mới ồ ạt đi vào cuộc sống. Về phía doanh nghiệp vẫn còn lơ là chưa thật sự quyết tâm phòng chống hàng giả, cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, xử lý thiếu răn đe, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan.
“Để ngăn chặn hàng giả, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi về tư duy, nhận thức để cùng nhau tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả, nếu không cuộc chiến này không có hồi kết. Sắp tới đây nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực cho nên vấn đề đầu tiên phải làm là bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Sau đó, các cơ quan quản lý phải cùng nhau kết hợp đồng bộ trong cuộc chiến này, có như vậy mới góp phần làm giảm việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường”, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm.
Ông Đàm Thanh Thế cho rằng, để chống lại hàng gian, hàng giả, trước hết hệ thống pháp luật cần điều chỉnh theo hướng gia tăng trách nhiệm với các đơn vị liên quan để xử lý triệt để hơn các vụ vị phạm. Mỗi doanh nghiệp phải tự có giải pháp bảo vệ sản phẩm sao cho người tiêu dùng biết được hàng này ở đâu, chất lượng như thế nào. Về phía người tiêu dùng cần thông thái lựa chọn sản phẩm cho kĩ, tránh tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái hoành hành. Các hiệp hội chống hàng giả bảo vệ người tiêu dùng nên tập trung vào từng ngành, mở rộng và nâng cao chất lượng hội viên.